Học thuyết hành vi tạo tác của BF Skinner (1904 – 1990)

I. Giới thiệu về BF Skinner

Skinner tên đầy đủ là Burrhus Frederic Skinner sinh ngày 20/03/1904 tại Susquehanna, Pennsylvania, Hoa Kỳ và qua đời vào ngày 18/08/1990 tại Cambridge, Massachusetts. Skinner sống cùng em trai và cha mẹ trong một gia đình trung lưu ổn định. Cha ông là một luật sư và mẹ ông là nội trợ. Skinner được giáo dục theo các chuẩn mực đạo đức nghiêm khắc. Ngay từ nhỏ, Skinner đã tỏ ra thông minh, nhanh nhẹn khi tự chế ra các thiết bị hỗ trợ cho việc sinh hoạt của mình.

Skinner theo học và tốt nghiệp Cử nhân Anh văn trường Đại học Hamilton, New York vào năm 1926. Sau khi tốt nghiệp, ông thu dọn về ở với gia đình để tập trung vào việc viết lách, nhưng sự nghiệp viết lách của ông không đi đến đâu. Sau cùng ông chấp nhận viết về mảng các vấn đề lao động cho một tờ báo.

Sau một thời gian, ông quyết định đi học tiếp, lần này học ở Đại học Harvard. Khi theo học tại Harvard, Fred S. Keller, một sinh viên khác, đã thuyết phục Skinner rằng ông ta có thể tạo ra một khoa học thực nghiệm về nghiên cứu hành vi. Sự kiện này đã tạo cơ hội cho Skinner phát minh ra một nguyên mẫu của chiếc hộp Skinner, và về sau cộng tác cùng Keller trong việc tạo ra các công cụ khác cho các thí nghiệm nhỏ. Thời gian ở Greenwich Village, Skinner có dịp đọc các tác phẩm của Pavlov và Watson, và ông đã được truyền cảm hứng rất lớn từ đây. Sau đó, nhờ sự bén duyên của ông với chủ nghĩa hành vi của John B. Watson, nó đã mang Skinner đến với lĩnh vực tâm lý học. Skinner từ đó đã kế thừa chủ nghĩa hành vi của Watson và phát triển thành phiên bản chủ nghĩa hành vi của riêng mình.

Ông tốt nghiệp thạc sĩ tâm lý tại Harvard năm 1930, tiến sĩ năm 1931, và ở lại trường làm công tác nghiên cứu cho đến năm 1936. Sau khi tốt nghiệp, ông gia nhập Đại học Minnesota như một giáo sư tại Khoa Tâm lý và Sau đại học. Skinner nổi tiếng với công trình nghiên cứu về học tập và tác động của kích thích và hậu quả lên hành vi. Ông phát triển một phương pháp được gọi là “hình phạt và khích lệ” để điều chỉnh hành vi, trong đó hành vi được tăng cường thông qua việc cung cấp khích lệ hoặc giảm đi thông qua việc áp dụng hình phạt.

Skinner được vinh danh với nhiều giải thưởng và vinh dự, bao gồm Huy chương Quốc gia về Khoa học (1968) và Huy chương Tự do (1990). Ông đã có một ảnh hưởng rộng lớn đối với lĩnh vực tâm lý học và giáo dục, và công trình của ông tiếp tục được nghiên cứu và ứng dụng đến ngày nay.

II. Lý thuyết hành vi tạo tác của BF Skinner

Ivan Pavlov đã tìm ra định luật “phản xạ có điều kiện” nhờ nghiên cứu chức năng hoạt động dạ dạy của những chú chó. Tiếp đến là John B. Watson cho rằng hành vi cơ bản của người và động vật chủ yếu dựa trên cơ sở phản xạ có điều kiện của Pavlov, tức là các phản xạ chịu ảnh hưởng bởi các tác nhân kích thích nhất định. Skinner đã thay đổi cơ bản khái niệm này bằng cách thêm vào ý tưởng về sự củng cố – tức là các hành vi được củng cố bới phần thưởng sẽ có nhiều khả năng được lặp lại hơn.

Chiếc hộp Skinner

1 – Khi chuột ấn nút

2 – Thức ăn rơi xuống

3 – Sau đó chuột liên tục ấn nút mang thức ăn rớt xuống xếp vào một góc hộp

Thí nghiệm của Skinner được thực hiện như sau: Một con chuột được thả vào một cái hộp có một nút nhỏ đặt bên trong. Khi chuột ấn nút, thức ăn sẽ rơi xuống. Ban đầu con chuột chạy khắp nơi trong hộp và vô tình một lần đạp phải cái nút nhỏ và phát hiện ra thức ăn rớt xuống. Lối vận hành, là hành vi xảy ra ngay sau khi có tác nhân củng cố, trong trường hợp này tác nhân củng cố là thức ăn. Tất nhiên sau đó chuột liên tục đạp vào nút và hăm hở mang thức ăn rớt xuống xếp vào một góc hộp.

Ông đưa ra kết luận: Một hành vi khi có sự xuất hiện của kích thích tác nhân củng cố – là thức ăn sẽ tạo một kết quả là khả năng xảy ra của hành vi ấy và sẽ diễn ra thường xuyên hơn trong tương lai.

Khi chuột không được cho thức ăn mỗi khi đạp vào nút, sau vài lần cố gắng, chuột sẽ ngừng hành vi đạp vào nút. Đây là quá trình triệt tiêu (hay còn gọi là quá trình quên) hành vi đạp nút của chuột (extinction of the operant behavior).

Ông kết luận rằng: Một hành vi không có sự xuất hiện của tác nhân củng cố (là thức ăn) sẽ tạo ra một kết quả là khả năng xảy ra (probability) của hành vi (ấn nút) sẽ giảm đi trong tương lai.

Sau đó thức ăn lại được cung cấp, chuột đạp vào nút và nhận được thức ăn, hành vi của chuột chợt trở về thật nhanh, nhanh hơn lần đầu tiên chuột vô tình phát hiện ra thức ăn. Đơn giản là tác nhân củng cố (reinforcer) đã thiết lập một lịch trình củng cố trong quá khứ và đây là một quá trình gợi nhớ.

Lý thuyết hành vi tạo tác

Theo BF Skinner, con người và động vật có 3 dạng hành vi: hành vi không điều kiện (phản xạ bẩm sinh – R.Descart), hành vi có điều kiện (phản xạ có điều kiện – Pavlov) và hành vi tạo tác (phản xạ có điều kiện tạo tác – BF Skinner). Sư khác biệt giữa hành vi có điều kiện với hành vi có điều kiện tạo tác là hành vi có điều kiện xuất hiện nhằm tiêp nhận một kích thích củng cố, còn hành vi tạo tác nhằm tạo ra kích thích củng cố.

Nguyên lý hoạt động chính:     S -> R -> S -> R

Theo thuyết Hành vi tạo tác, nhiều phản ứng của cơ thể không phải do một kích thích không điều kiện nào đó gây ra, mà còn có thể là do cơ thể tự phóng ra. Phản ứng nảy sinh để trả lời kích thích vô điều kiện và có điều kiện được Skinner gọi là các phản ứng loại S. Các phản ứng do cơ thể tự phóng ra xếp vào loại R và được gọi là hành vi tạo tác. Hành vi tạo tác là hành vi được hình thành từ một hành vi trước đó của chủ thể, do tác động vào môi trường và được củng cố, đóng vai trò là tác nhân kích thích.

Một khác biệt nữa giữa hành vi có điều kiện với hành vi tạo tác là hành vi tạo tác tác động đến môi trường xung quanh cơ thể, trong khi hành vi có điều kiện không làm điều đó. Điều này có thể được chứng minh khi ta so sánh một thí nghiệm của Pavlov với thí nghiệm của Skinner. Trong thí nghiệm của Pavlov, ông tiến hành xích một chú chó lại và khiến nó không thể làm gì khác ngoài phản ứng (chỉ tiết nước bọt) với thí nghiệm viên khi họ đưa ra kích thích nào đó với nó. Còn tự nó không thể làm gì để lấy được thức ăn (không tác động đến môi trường xung quanh). Trong khi đó, hành vi tạo tác của con chuột trong hộp Skinner đem lại được nghĩa quyết định khi con chuột lấy được thức ăn (có tác động đến môi trường xung quanh). Khi chuột ấn nút, nó nhận được thức ăn, còn nếu như không ấn nút thì nó không lấy được thức ăn. Từ đó kết luận hành vi tạo tác của chuột đã tác động đến môi trường xung quanh.

Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng trong phản xạ có điều kiện cổ điển yếu tố nhu cầu của cá nhân không được tính đến. Ngược lại, trong phản xạ tạo tác, yếu tố nhu cầu quyết định việc nảy sinh phản ứng.

Nguyên tắt Củng cố & Trừng phạt

Củng cố (reinforcement) là một kích thích làm tăng khả năng một phản ứng trước đó

Thưởng/ Củng cố là quá trình mà khả năng một phản ứng tăng bởi sự xuất hiện của một củng cố theo sau phản ứng

Phạt (punishment) là quá trình mà khả năng một phản ứng giảm bởi sự xuất hiện của một phạt theo sau phản ứng

Dương tính (positive): là một kích thích được xuất hiện

Âm tính (negative): là một kích thích bị loại bỏ

Một kích thích mong muốn (appetitive stimulus) là một kích thích mang lại sự dễ chịu

Một kích thích khó chịu (aversive stimulus) là một kích thích mang lại sự khó chịu

Kết quả:

Trong củng cố dương tính (positive reinforcement) một kích thích mong muốn xuất hiện (ví dụ: khen ngợi khi làm việc tốt)

Trong trừng phạt dương tính (positive punishment) một kích thích khó chịu xuất hiện (ví dụ: la mắng khi làm việc không tốt)

Trong củng cố âm tính (negative reinforcement) một kích thích khó chịu bị loại bỏ (ví dụ: trẻ được miễn làm việc nhà nếu có kết quả học tập tốt)

Trong trừng phạt âm tính (negative reinforcement) một kích thích mong muốn bị loại bỏ (ví dụ: trẻ không được xem tivi nếu có kết quả học tập không tốt)

Đọc thêm

Một số giải thưởng của BF Skinner

1966 – Giải thưởng Edward Lee Thorndike, Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ

1968 – Huân chương Khoa học Quốc gia của Tổng thống Lyndon B. Johnson

1971 – Huy chương Vàng của Quỹ Tâm lý Hoa Kỳ

1972 – Giải Nhân văn của năm

1990 – Giải thưởng Cống hiến Xuất sắc trọn đời cho Tâm lý học, Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ

Một số tác phẩm tiêu biểu của BF Skinner

“The Behavior of Organisms” (1938): Đây là tác phẩm đầu tiên của Skinner, nơi ông giới thiệu khái niệm về hành vi tạo tác và các nguyên tắc cơ bản của việc tăng cường hành vi.

Science and Human Behavior” (1953): Cuốn sách này trình bày các lý thuyết cơ bản về hành vi và áp dụng của chúng trong lĩnh vực xã hội và con người. Skinner giải thích cách các nguyên tắc như tăng cường và hình phạt ảnh hưởng đến hành vi con người.

“Verbal Behavior” (1957): Trong tác phẩm này, Skinner tập trung vào hành vi ngôn ngữ và khám phá cách mà ngôn ngữ được hình thành và ảnh hưởng đến hành vi.

“Walden Two” (1948): Đây là một tiểu thuyết của Skinner, miêu tả một cộng đồng ảo có tổ chức theo nguyên lý hành vi tạo tác. Cuốn sách thảo luận về các vấn đề xã hội và triết lý, đồng thời tạo ra một hình ảnh về cách mà ông ứng dụng lý thuyết của mình vào cuộc sống hàng ngày.

Beyond Freedom and Dignity” (1971): Trong cuốn sách này, Skinner đề xuất một quan điểm mới về tự do và phẩm giá, cho rằng chúng không phải là những khái niệm tư duy tác động mà chỉ là hậu quả của hành vi và môi trường.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *