Phần 1 – Chương 4 – HỆ THẦN KINH

PHẦN 1 – GIẢI PHẪU CHỨC NĂNG

CHƯƠNG 4 – HỆ THẦN KINH

I. NÃO BỘ

Não là khối mô thành kinh lớn nhất và phức tạp nhất trong cơ thể, kích thước não to bằng khoảng 2 nắm tay. Trọng lượng trung bình: 1360g ở đàn ông, 1220g ở phụ nữ.

1. BÁN CẦU ĐẠI NÃO

1.1. Cấu trúc bán cầu đại não

Hai bán cầu đại não nối nhau ở giữa, thường được gọi chung là đại não, là phần cao nhất của não và kích thước lớn hơn rất nhiều so với ba vùng não còn lại. Trên thực tế, khi các bán cầu đại não phát triển và lớn lên, chúng sẽ bao bọc và che khuất phần lớn thân não.

Bán cầu đại não:

– Toàn bộ bề mặt của đại não gọi là vỏ não dày từ 2 – 5 mm, diện tích 0.25m2, có khoảng 100 tỉ tế bào thần kinh, gồm có 6 lớp tế bào (tập hợp từ 3 loại tế bào tháp, tế bào hạt và tế bào hình thoi)

– Chiếm 9/10 thể tích não bộ, bề mặt ngoài nhăn nheo

– Có các gờ nổi của mô gọi là hồi, ngăn cách bởi các rãnh và khe

– Các rãnh và khe chia mỗi bán cầu đại não thành một số thùy, tương ứng với các xương sọ cùng tên che bên ngoài

– Mỗi bán cầu đại não có ba vùng cơ bản: vỏ não bề ngoài chứa chất xám; bên trong là chất trắng; và các hạch nền.

Cerebral hemisphere: bán cầu đại não, Diencephalon: não trung gian, Cerebellum: tiểu não, Brain stem: thân não, Midbrain: não giữa

Hầu hết các mô còn lại của bán cầu não là chất trắng nằm ở bên dưới chất xám được cấu tạo bởi các dải sợi thần kinh dẫn truyền các xung động thần kinh hướng tâm, ly tâm hoặc bên trong vỏ não. Một bó sợi thần kinh rất lớn kết nối hai bán cầu đại não gọi là thể chai (corpus callosum). Thể chai nằm bên trên các cấu trúc của thân não và cho phép các bán cầu đại não giao tiếp với nhau. Điều này rất quan trọng bởi vì một số khu vực chức năng của vỏ não chỉ nằm ở một bán cầu.

Phần lớn chất xám nằm trong vỏ não, có một số “đảo” chất xám nằm trong chất trắng được gọi là hạch nền. Các hạch nền giúp điều chỉnh các hoạt động vận động tự chủ bằng cách điều chỉnh các thông tin thần kinh phản hồi (đặc biệt liên quan đến việc bắt đầu hoặc dừng vận động) do vỏ não vận động chính gửi đến các cơ xương. Do đó tổn thương hạch nền sẽ không thể vận động bình thường. Một bó thần kinh, được gọi là bao bên trong, đi qua giữa đồi thị và hạch nền.

Hạch nền gồm có nhân đuôi, nhân bèo sẫm, nhân cầu nhạt, chất đen và nhân hạ đồi. Khi tổn thương nặng ở hạch nền bệnh nhân không thể làm được các vận động phức tạp: chử viết trở nên thô, mất đi sự khéo léo như cắt giấy, đóng đinh, chơi thể thao… Tổn thương nhân bèo sẫm gây hiện tượng múa giật ở hai bàntay, tổn thương nhân cầu nhạt gây ra các cử động tự phát liên tục như vòi bạch tuột ở 1 bàn tay, tổn thương chất đen gây bệnh Parkinson (cơ co cứng,run không tự ý, khó vận động), tổn thương nhân hạ đồi gây hiện tượng múa vung nữa thân. Hạch nền điều khiển có nhận thức, phối hợp các vận động theo trình tự để đạt được mục đích.

Basal nuclei: hạch nền, Callosum: thể chai, Lateral ventricle: não thất bên, Gray matter: chất xám: Tracts of white mater: vùng chất trắng

1.2. Phân vùng vỏ não

Bán cầu đại não được phân chia thành 4 thùy chính là thùy trán, thùy đỉnh, thùy chẩm và thùy thái dương

Longitudinal fissure: khe dọc giữa, Precentral gyrus: hồi trước trung tâm, Central fissue: rãnh trung tâm, Postcentral gyrus: hồi sau trung tâm, Lateral fissue: khe bên, Superior temporal gyrus: hồi trên thái dương, Cerebellum: tiểu não, Frontal lobe: thùy trán, Parietal lobe: thùy đỉnh, Temporal lobe: thùy thái dương, Occipital lobe: thùy chẩm

– Thùy trán nằm ở trước rãnh trung tâm. Chúng rất cần thiết cho việc lên kế hoạch, thực hiện việc học và hành vi có mục đích, liên quan đến lý luận, trí thông minh và đạo đức; chúng cũng là nơi có nhiều chức năng ức chế. Vỏ não vận động sơ cấp là phần sau nhất của hồi trước trung tâm. Vỏ não vận động sơ cấp ở một bên kiểm soát tất cả các cơ quan vận động ở phía đối diện của cơ thể; tổn thương vỏ não vận động của một bán cầu sẽ gây ra yếu hoặc liệt chủ yếu ở phía đối diện của cơ thể.

– Thùy đỉnh giới hạn từ rãnh trung tâm đến khe đỉnh chẩm và khe bên. Liên quan mật thiết tới cảm giác. Vỏ não cảm giác thân thể nằm ở sau rãnh trung tâm (hồi sau trung tâm), tích hợp các kích thích cảm giác thân thể để nhận biết và nhớ lại hình dạng, kết cấu và trọng lượng. Vỏ não cảm giác thân thể sơ cấp ở một bên nhận được tất cả các thông tin đầu vào cảm giác thân thể từ phía đối diện của cơ thể. Tổn thương thùy đỉnh trước có thể gây ra khó nhận ra vật thể qua xúc giác (mất nhận thức xúc giác).

– Thùy thái dương nằm phía dưới khe bên và kéo dài tới khe đỉnh chẩm, rất quan trọng trong việc nhận cảm âm thanh, ngôn ngữ, mùi vị. Khu vực thính giác, thuộc thùy thái dương, giáp với rãnh bên, cho ta cảm giác nghe được âm thanh và vùng thính giác nhận thức cho phép ta hiểu âm tahnh đó là gì. Khu vực khứu giác nằm sâu bên trong thùy thái dương, ít phát triển ở người, phụ trách việc điều hòa có tính tự động, tránh thức ăn độc không lành mạnh, dựa vào kinh nghiệm tiếp xúc với món ăn ấy.

– Thùy chẩm là thùy hình tháp phía sau khe đỉnh chẩm, vùng thị giác nằm ở phía sau của thùy chẩm gồm có 2 vùng: vùng thông thường cho cảm giác ánh sáng, nhìn thấy vật thể và vụng thị giác nhận thức giúp xác định xem vật nhìn thấy là vật gì. Tổn thương ở vỏ não thị giác sơ cấp dẫn tới một dạng mù vỏ não; được gọi là hội chứng Anton, bệnh nhân không thể nhận ra vật thể bằng cách nhìn và không nhận thức được sự thiếu hụt này của bản thân, thường mô tả bịa đặt về những gì họ nhìn thấy. Động kinh liên quan đến thùy chẩm có thể gây ảo giác, thường bao gồm các đường hoặc mạng lưới màu chồng lên nhau ở thị trường đối bên.

Bên cạnh 4 thùy chính, có một vùng não mà hiện nay đang được nghiên cứu và xem như là một thùy độc lập của não không thể nhìn thấy từ bề mặt gọi là thùy đảo (Insula cortex)  tích hợp các thông tin cảm giác từ các tạng. Thùy đảo được cho là xử lý cảm giác đau, nhiệt và liên quan đến cảm xúc như là lòng trắc ẩn, sự đồng cảm, sự ham muốn, thèm ăn, nghiện và một loạt các rối loạn tâm thần như tâm thần phân liệt, lo âu, hoảng sợ, stress sau sang chấn và rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

1.3. Vùng vỏ não liên hợp

Vùng vỏ não liên hợp bao quanh các vùng vỏ não tiếp nhận cảm giác thực hiện chức năng nhận biết ý nghĩa của các thông tin cảm giác sau khi đã phối hợp nhiều loại tín hiệu.

Có 3 vùng vỏ não liên hợp quan trọng là: đỉnh-chẩm-thái dương, vùng vỏ não trán và vùng liên hợp viền

Frontal lobe: thùy trán, Parietal lobe: thùy đỉnh, Temporal lobe: thùy thái dương, Occipital lobe: thùy chẩm, Prefrontal association area: vùng liên hợp trước trán, Motor association area: vùng liên hợp vận động, Primary motor cortex: vùng vận động sơ cấp, Primary somatic sensory cortex: vùng cảm giác bản thể sơ cấp, Sensory association area: vùng liên hợp cảm giác, Visual association area: vùng liên hợp thị giác Visual cortex: vùng thị giác, Olfactory cortex: vùng khứu giác, Auditory cortex: vùng thính giác, Auditory association area: vùng liên hợp, Gustatory cortex: vùng vị giác

1.3.1. Vùng đỉnh-chẩm-thái dương

Phân vùng phân tích sự phối hợp trong không gian của tất cả các phần cơ thể và mối liên hệ với môi trường xung quanh: Các vùng từ hồi sau bên đến hồi sau trung tâm tạo ra các mối liên hệ thị giác-không gian và tích hợp những thông tin này với các cảm giác khác để tạo ra nhận thức về quỹ đạo của các vật chuyển động.

Các phần của thùy đỉnh giữa của bán cầu ưu thế có liên quan đến các khả năng như tính toán, viết, định hướng trái phải và nhận biết ngón tay, tổn thương có thể gây ra những thiếu sót trong việc viết, tính toán, định hướng phải trái và gọi tên ngón tay (hội chứng Gerstmann).

Thùy đỉnh của bán cầu không ưu thế cho phép mọi người nhận thức được không gian môi trường và rất quan trọng đối với các khả năng như vẽ. Tổn thương cấp tính ở thùy đỉnh của bán cầu không ưu thế có thể gây mất chú ý nửa người phía bên đối diện (thường là bên trái), dẫn đến giảm nhận thức về phần cơ thể đó và bất kỳ tổn thương nào liên quan đến phía nửa người đó (mất nhận thức bệnh tật). Ví dụ, bệnh nhân tổn thương lớn ở thùy đỉnh phải có thể không nhận ra liệt nửa người trái. Bệnh nhân bị các tổn thương nhỏ hơn có thể mất khả năng học các kỹ năng vận động (ví dụ: mặc quần áo, các hoạt động khác mà cần phải học mới làm được) – một thiếu sót về vận động-không gian có tên là thất dụng.

Phân vùng để hiểu ngôn ngữ: Bệnh nhân bị tổn thương thùy thái dương trái làm suy giảm nặng sự nhận biết, trí nhớ và sự hình thành ngôn ngữ, tổn thương thùy thái dương phải thường mất khả năng hiểu được các kích thích âm thanh không phải lời nói:

Vùng Wernicke ưu thế phát triển trên não trái, gọi là vùng giải thích tổng quát hay vùng hiểu biết đóng vai trò quan trọng quyết định sự thông minh, nếu tổn thương vùng này, bệnh nhân có thể nghe hoặc đọc nhưng không hiểu ý nghĩa.

Hồi góc nằm ngay phía sau vùng Wernicker, nếu bị tổn thương thì bệnh nhân nghe và hiểu được lời nói nhưng không hiểu được nghĩa của chử viết, 95% hồi góc ưu thế ở bán cầu não trái.

– Vùng đỉnh-chẩm-thái dương phía bên bán cầu không ưu thế dùng để hiểu và giải thích âm nhạc, ngôn ngữ thân thể và âm điệu.

Phân vùng để gọi tên vật: tên vật thể được học chủ yếu qua đường thính giác, trong khi đặc điểm hình dạng và tính chất vật lý chủ yếu học bằng thị giác.

1.3.2. Vùng vỏ não trán

Vùng vận động gồm 3 phân vùng: vùng vận động sơ cấp (nằm ở hồi trước trung tâm), vùng tiền vận động, vùng vận động bổ túc, ngoài ra còn có các vùng vận động đặc biệt. Vùng vận động bán cầu não bên này chi phối vận động theo ý muốn của nữa thân thể bên kia, kích thích vùng này gây ra những cử động đơn giản. Vùng tiền vận động phân phối hình chiếu các bộ phận giống như vùng vận động chính, kích thích vùng tiền vận động sẽ gây ra các cử động phối hợp phức tạp để thực hiện 1 nhiệm vụ đặc biệt. Ở vùng tiền vận động có các vùng vận động đặc biệt: vùng phát âm Broca, vùng điều khiển cửđộng tự ý của mắt, vùng quay đầu, vùng khéo tay. Vùng vận động bổ túc nằm ở phía trước trên vùng tiền vận động, mặt trong thùy trán, cường độ kích thích đủ mạnh mới kích thích vùng này và thương gây ra co cơ ở cả hai bên cơ thể, vùng này cùng với vùng tiền vận động cung cấp những cử động liên quan tới tư thế, làm nền tảng cho những cử động khéo léo tinh vi của tay.

– Vỏ não trán trong rất quan trọng đối với ý thức và vận động. Nếu tổn thương ở vùng này rộng và kéo dài đến phần cực trán, bệnh nhân có thể trở nên mất ý thức (thờ ơ, mất chú ý và đáp ứng chậm).

Vỏ não trán ổ mắt giúp điều chỉnh hành vi xã hội. Bệnh nhân có tổn thương ở vùng trán ổ mắt có thể có cảm xúc không ổn định, thờ ơ với những tác động từ hành động của họ, hoặc cả hai. Các biểu hiện háo hức, lạc quan, thiếu tế nhị và thờ ơ với các hoạt động xã hội có thể diễn ra xen kẽ nhau. Chấn thương cấp tính hai bên ở khu vực này có thể làm cho bệnh nhân hoạt ngôn mãnh liệt, bồn chồn, và xâm phạm bừa bãi trong hoạt động xã hội. Mất ức chế và hành vi bất thường có thể xảy ra khi lão hóa và trong nhiều thể sa sút trí tuệ có thể là kết quả của sự thoái hoá của thùy trán, đặc biệt là vỏ não trán ổ mắt.

– Vỏ não trán sau dưới bên trái kiểm soát chức năng biểu đạt ngôn ngữ, liên quan rất nhiều đến khả năng nói (vùng Broca). Tổn thương vùng này gây ra thất ngôn hoặc tình trạng rối loạn vận ngôn, đôi khi biết mình muốn nói gì, nhưng không thể nói thành lời.

Vỏ não trán lưng bên điều khiển các thông tin mới thu được – hay còn được gọi là trí nhớ ngắn hạn. Tổn thương vùng này có thể làm giảm khả năng lưu giữ thông tin và xử lý nó trong thời gian hiện tại (ví dụ như đánh vần ngược lại các từ hoặc thay đổi giữa chữ và số theo tuần tự).

Vùng trước trán phối hợp chặt chẻ với vùng vận động chính để lập kế hoạch cho các vận động phức tạp và liên tục. Vùng này nhận tín hiệu từ vùng đỉnh-chẩm-thái dương rất cần thiết cho việc suy nghĩ (thể thể hiện ra bằng cử động trong thời gian dài). Vùng này có khả năng ghi nhớ nhiều thông tin cùng một lúc và gợi nhớ đến một thông tin nào đó ngay lập tức khi cần cho các ý nghĩ tiếp theo được gọi là trí nhớ làm việc của não.

1.3.3. Vùng liên hợp viền liên quan tới hành vi, cảm xúc và động cơ hành động

Cingulate gyrus: hồi đai (đóng vai trò quan trọng đối với cảm xúc), Thalamus: đồi thị, Hippocampus: hồi hải mã (liên quan đến học tập và trí nhớ), Amygdala: hạch hạnh nhân (liên quan đến cảm xúc và trí nhớ)

2. NÃO TRUNG GIAN

Não trung gian nằm trên đỉnh của thân não và được bao bọc bởi các bán cầu đại não. Các cấu trúc chính của não trung gian là đồi thị, vùng dưới đồi và vùng trên đồi.

2.1. Đồi thị

Đồi thị có dạng hình bầu dục là nơi trung gian tập trung các kích thích bên ngoài, các xung động do kích thích được biến đổi tại đồi thị và sau đó được truyền đến các trung khu xử lý để giúp cơ thể có thể thích nghi với môi trường sống.

Đồi thị là một trạm chuyển tiếp cho gần như tất cả các thông tin đến và đi khỏi vỏ não. Khi các xung thần kinh cảm giác truyền lên vỏ não cảm giác đi qua đồi thị, có thể nhận biết thô sơ về cảm giác dễ chịu hay khó chịu, nó có vai trò trong cảm giác đau, sự chú ý và sự tỉnh táo. Các tín hiệu cảm giác còn mơ hồ được tích hợp và xử lý sơ bộ ở đồi thị trước khi chuyển lên vỏ não, tại vỏ não nhờ hoạt động phân tích và tổng hợp sẽ mô tả cảm giác thật sự.

Khi đồi thị bị kích thích sẽ gây nên những phản ứng vận động liên quan tới biểu hiện cảm xúc, nét mặt, phản ứng nhai, nuốt, tăng cảm giác đau, ảnh hưởng tới hệ tim mạch tiêu hóa, hô hấp.

Khi đồi thị bị tổn thương những cảm giác bình thường của cơ thể ở bên đối diện với tổn thương sẽ giảm nhiều hoặc mất hẵn, bệnh nhân có thể bị chứng tăng cảm giác tự phát xuất hiện do những tổn thương kích thích vào trung tâm đồi thị, triệu chứng run xuất hiện khi trung tâm điều hòa các động tác có ý thức ở đồi thị bị tổn thương.

Trong trường hợp phá hủy một bên đồi thị thì nữa thân bên đối diện bị giảm cảm giác nóng, mất cảm giác sâu có ý thức gây thất điều vận động, các giác quan bị rối loạn, có những cơn đau tự phát dữ dội không đáp ứng thuốc giảm đau

2.2. Vùng dưới đồi

Vùng dưới đồi đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, cân bằng nước và trao đổi chất.

Phần trước vùng dưới đồi là kiểm soát nhiệt độ của cơ thể.

Vùng dưới đồi cũng kiểm soát các vấn đề liên quan tới động lực và cảm xúc (khát, thèm ăn, tình dục, khoái cảm…) và là một phần quan trọng của hệ viền, hay “não bộ cảm xúc”.

Vùng dưới đồi là tác động đến thần kinh tự động: tới giao cảm thường do cảm xúc giận dữ hoặc sợ đồng tử, dựng lông, run rẫy.

Thưởng – phạt đóng vai trò quan trọng trong hành vi và tập tính vì hầu hết những điều ta làm đều liên quan tới hiện tượng trên, hiện tưởng thưởng phạt liên quan tới trí nhớ.

Vùng dưới đồi bị tổn thương sẽ gây suy tuyến thượng thận, suy giáp, giảm khả năng sinh dục.

Nếu vùng dưới đồi tăng hoạt động có thể gây ra bệnh Basedow, Cushing.

2.2. Vùng trên đồi

Vùng trên đồi tạo thành mái của não thất ba. Phần quan trọng của vùng trên đồi là tuyến tùng và đám rối màng mạch của não thất ba.

3. THÂN NÃO

Thân não có đường kính bằng ngón tay cái và dài khoảng 7,5 cm. Cấu trúc của nó là não giữa, cầu não và hành não (hình 14). Ngoài việc cung cấp một con đường tín hiệu cho các đường đi lên và đi xuống vỏ não, thân não còn có nhiều vùng nhân chất xám nhỏ. Những nhân này tạo ra các hành vi tự động được lập trình chặt chẽ cần thiết để sinh tồn. Ngoài ra, một số có liên quan đến các dây thần kinh sọ và kiểm soát các hoạt động quan trọng như hô hấp và huyết áp.

Não giữa là một phần tương đối nhỏ của thân não. Cống não là một ống nhỏ đi qua não giữa, nối não thất ba với não thất tư. Cuống não dẫn truyền các xung động lên xuống. Nằm ở mặt lưng là củ não sinh tư. Não giữa là trung tâm phản xạ liên quan đến thị giác và thính giác.

Cầu não là cấu trúc tròn nhô ra ngay dưới não giữa, phần lớn là các bó sợi thần kinh trung ương, nó có những nhân quan trọng tham gia vào việc kiểm soát hơi thở.

Hành não là phần thấp nhất của thân não, nối với tủy sống bên dưới mà không có bất kỳ thay đổi rõ ràng nào về cấu trúc. Hành não là một khu vực quan trọng, nơi các sợi vận động bắt chéo sang phía đối diện. Hành não cũng chứa nhiều nhân điều hòa các hoạt động quan trọng của nội tạng. Nó chứa các trung tâm kiểm soát nhịp tim, huyết áp, thở, phản xạ nuốt và nôn.

Tín hiệu thần kinh từ thân não hoạt hóa đại não bằng hai cách: kích thích trực tiếp nhờ hệ lưới ở thân não, hoặc hoạt hóa hệ thống nội tiết – thần kinh.

4. TIỂU NÃO

Tiểu não có hình dạng giống như súp lơ, ở phía dưới thùy chẩm của đại não. Giống như đại não, tiểu não có hai bán cầu và bề mặt nhăn nheo. Tiểu não cũng có một vỏ não bên ngoài được tạo thành từ chất xám và một vùng bên trong của chất trắng.

Tiểu não điều khiển sự chính xác cho hoạt động của cơ xương và kiểm soát sự cân bằng, nhờ đó các chuyển động của cơ thể được phối hợp nhịp nhàng. Khả năng này giảm khi có sự tác động của rượu. Nếu tiểu não bị tổn thương (ví dụ, bởi một cú đánh vào đầu, khối u hoặc đột quỵ) sẽ gây giảm trương lực cơ và các cử động trở nên vụng về, vô tổ chức – một tình trạng được gọi là mất điều hòa vận động, bệnh nhân không thể giữ thăng bằng và có thể có biểu hiện say xỉn do mất khả năng phối hợp các cơ, có dáng đi con gà trống (nhấc chân cao, bước ra xa), không hãm được các động tác kịp thời gây hiện tượng dội lại. Họ không còn có thể chạm ngón tay vào mũi hay cho tay vào túi áo, cử động loạn nhịp lúc nhanh lúc chậm không sấp ngữa bàn tay tuần tự được, càng cử động thì run càng nhiều, mất thằng bẳng, lảo đảo.

5. HỆ THỐNG MẠCH MÁU NÃO

Chỉ cần thiếu máu trong vài phút sẽ khiến các tế bào não mỏng manh chết đi, nên việc cung cấp máu liên tục cho não là rất quan trọng. Não được cung cấp bởi cặp động mạch cảnh trong và cặp động mạch đốt sống.

Các động mạch cảnh trong chia nhánh từ động mạch cảnh chung, chạy qua cổ và đi vào hộp sọ qua xương thái dương. Ở bên trong hộp sọ, mỗi động mạch chia thành động mạch não trước và động mạch não giữa, cung cấp phần lớn máu não.

Các động mạch đốt sống xuất phát từ động mạch dưới đòn. Ở bên trong hộp sọ, các động mạch đốt sống kết hợp để tạo thành động mạch nền. Động mạch này cấp máu cho thân não và tiểu não. Ở phần nền sọ, động mạch nền phân chia để tạo thành các động mạch não sau, cung cấp cho phần sau của đại não.

Nguồn cung cấp máu trước và sau của não được nối với nhau bởi động mạch thông trước và động mạch thông sau, tạo thành một vòng tròn nối các mạch máu hoàn chỉnh; được gọi là vòng tròn động mạch não hay vòng tròn Willis, bao quanh đáy não. Vòng tròn động mạch não bảo vệ não bằng cách cung cấp một tuyến đường khác để cấp máu đến mô não trong trường hợp có cục máu đông hoặc suy giảm lưu lượng máu ở bất kỳ vị trí nào trong hệ thống.

6. HỆ THỐNG DÂY THẦN KINH SỌ NÃO

Hệ thống 12 dây thần kinh sọ

  • (I) Dây thần kinh khứu giác
  • (II) Dây thần kinh thị giác
  • (III) Dây thần kinh vận nhãn kiểm soát hầu hết các chuyển động của mắt, sự co thắt của đồng tử và duy trì trương lực mở cho mí mắt.
  • (IV) Dây thần kinh ròng rọc điều khiển cơ ròng rọc của mắt, giúp cho chuyển động quay mắt.
  • (V) Dây thần kinh sinh ba nhận biết cảm giác và chức năng vận động ở vùng mặt và miệng.
  • (VI) Dây thần kinh vận nhãn ngoài điều khiển cơ vận nhãn ngoài của mắt, giúp mắt nhìn ra ngoài.
  • (VII) Dây thần kinh mặt chi phối cho các cơ của sự biểu hiện trên khuôn mặt và có chức năng truyền cảm giác vị giác từ hai phần ba phía trước của lưỡi và khoang miệng.
  • (VIII) Dây thần kinh tiền đình ốc tai chịu trách nhiệm truyền thông tin âm thanh và điều chỉnh cân bằng từ tai trong đến não.
  • (IX) Dây thần kinh thiệt hầu tiếp nhận cảm giác từ amidan, hầu họng, tai giữa và phần còn lại của lưỡi.
  • (X) Dây thần kinh phế vị điều khiển sự hoạt động của hầu hết các nội tạng trong cơ thể, bao gồm điều chỉnh nhịp tim, nhu động đường tiêu hóa, bài tiết mồ hôi và cả các cử động trong miệng, như lời nói và giữ cho thanh quản đóng mở để hít thở.
  • (XI) Dây thần kinh phụ kiểm soát vận động của các cơ vùng vai và cổ.
  • (XII) Dây thần kinh hạ thiệt điều khiển chuyển động lưỡi để thực hiện lời nói, thao tác nhai thức ăn và nuốt. Hầu hết các dây thần kinh sọ là dây thần kinh hỗn hợp cảm giác và vận động, ngoại trừ ba cặp – dây thần kinh thị giác, khứu giác và tiền đình ốc tai hoàn toàn có chức năng cảm giác.

7. HỆ THỐNG BẢO VỆ NÃO

Mô thần kinh mềm và mỏng manh, chỉ cần một áp lực nhẹ cũng có thể làm tổn thương các tế bào thần kinh không thể hồi phục. Não và tủy sống được bảo vệ khỏi tác động bên ngoài bằng hệ thống xương (hộp sọ và cột sống) và giảm các tác động từ bên trong thông qua hệ hống bảo vệ não bao gồm: màng não, dịch não tủy và hàng rào máu não.

Màng não bao gồm ba màng mô liên kết bao phủ và bảo vệ cấu trúc thần kinh trung ương. Lớp ngoài cùng là màng cứng bao quanh não, một mặt của nó được gắn vào bề mặt bên trong của hộp sọ, tạo thành màng xương (lớp màng xương), mặt còn bao xung quanh não và liên tục với màng cứng của tủy sống. Các lớp màng cứng tách rời nhau để bao bọc các xoang tĩnh mạch màng cứng giúp thu thập máu tĩnh mạch. Lớp màng não giữa là màng nhện. Lớp màng mềm trong cùng mỏng manh bám chặt vào bề mặt não và tủy sống, theo từng nếp gấp của bề mặt não. Khoảng dưới nhện chứa đầy dịch não tủy.

Bộ não là cơ quan duy nhất của cơ thể phụ thuộc tuyệt đối vào môi trường bên trong liên tục. Các mô khác của cơ thể có thể chịu được sự dao động khá nhỏ của nồng độ hormone, điện giải và chất dinh dưỡng, đặc biệt là sau khi ăn hoặc tập thể dục. Nhưng nếu não tiếp xúc với những thay đổi như vậy, có thể dẫn đến hoạt động thần kinh không kiểm soát được. Do đó, các tế bào thần kinh bị ngăn cách với các chất trong máu bởi hàng rào máu não, bao gồm các mao mạch ít thấm nhất trong toàn bộ cơ thể.

II. TỦY SỐNG

1. CẤU TRÚC

Tủy sống có hình trụ, dài khoảng 42 cm, là phần tiếp nối từ thân não. Tủy sống cung cấp đường dẫn truyền hai chiều đến và đi từ não, và nó là một trung tâm phản xạ chính (phản xạ tủy sống được hoàn thành ở cấp độ này). Được bao bọc bên trong cột sống, tủy sống kéo dài từ hộp sọ đến đốt sống thắt lưng thứ nhất hoặc thứ hai, ngay dưới xương sườn.

Giống như não, tủy sống được bảo vệ bởi màng não. Các lớp phủ màng não không kết thúc ở đốt sống thắt lưng thứ hai mà kéo dài ra ngoài phần cuối của tủy sống trong ống sống

Tủy sống có kích thước gần bằng ngón tay cái trong phần lớn chiều dài, nó nở rộng ở vùng cổ và thắt lưng, nơi xuất phát các dây thần kinh chi phối chi trên và chi dưới. Vì cột sống pháttriển nhanh hơn tủy sống nên tủy sống không đi đến được phần cuối của cột sống, các dây thần kinh cột sống chi phối phần dưới cơ thể phải đi qua một đoạn ống sống trước khi thoát ra ngoài, tập hợp các dây thần kinh này được gọi là chùm đuôi ngựa.

Tủy sống là một bộ phận của thần kinh trung ương nằm trong ống sống, tham gia chi phối nhiều phản xạ, đồng thời nó cũng là một bộ phận dẫn truyền thần kinh. Tủy sống chia thành 31 đoạn, chi phối cảm giác và vận động của một vùng nhất định trên cơ thể nên rất thuận tiện cho việc thăm dò chức năng tủy sống. Magendie làm thí nghiệm trên chó, bọc bộ những dây rễ thần kinh đốt sống để thăm dò các chức năng sinh lý và nhận thấy cắt rễ thần kinh trước thì mất cử động, cắt rễ thần kinh sau thì sẽ mất cảm giác.

Ngay sau khi tủy bị đứt ngang hoàn toàn ở một đoạn nào đó thì lập tức phần cơ thể phía dưới chổ tổn thương bị mất vận động (liệt) và cảm giác (tê) hoàn toàn, các cơ mềm nhũn do mất trương lực, huyết áp tụt, mất tất cả các phản xạ, gọi là hiện tượng choáng tủy.

2. CHỨC NĂNG TỦY SỐNG

Tuỷ sống là trung khu thần kinh cấp thấp dưới vỏ, điều khiển các phản xạ không điều kiện. Tủy sống thực hiện ba chức năng cơ bản là: chức năng phản xạ, chức năng sinh dưỡng và chức năng dẫn truyền

2.1. Chức năng phản xạ

Chức năng phản xạ của tủy sống giúp thực hiện các phản ứng vận động phức tạp của cơ thể tạo thành phản ứng bản thể. Ví dụ: phản xạ trương lực cơ, phản xạ da, phản xạ gân…

Chức năng phản xạ của tuỷ sống do phần chất xám trong tuỷ sống đảm nhận. Đó là các loại phản xạ tự nhiên, được xem là những phản xạ bản năng để bảo vệ cơ thể. Có 3 loại neuron đảm nhận chức năng phản xạ là neuron cảm giác (nằm ở rễ sau, dẫn xung cảm giác vào chất xám), neuron liên lạc (dẫn xung thần kinh ra sừng trước), neuron vận động (nằm ở rễ trước, dẫn truyền xung vận động đến cơ vân và các cơ quan thừa hành).

Tuỷ sống là trung tâm cấp thấp của vận động cơ toàn thân, điều tiết các hoạt động niệu – sinh dục, nhịp hô hấp, tim mạch; tham gia và thực hiện các phản xạ vận động phức tạp, đồng thời là nơi giao tiếp của các phản xạ vận động.

Các phản xạ tuỷ điển hình như:

– Phản xạ da: xuất hiện khi kích thích lên da làm co cơ.

– Phản xạ gân: gây ra bởi sự căng của lớp cân cơ, khi gõ ngang vào gân làm căng đột ngột lớp cân làm cơ co. Phản xạ gấp rất dễ tạo ra, chỉ cần gây giãn cơ một chút là cơ sẽ gấp lại. Phản xạ duỗi quan trọng đối với các loài động vật đứng bằng 4 chi, tham gia vào việc chống lại sức hút trái đất.

– Phản xạ trương lực cơ: giúp cơ luôn ở trạng thái trương lực. Nếu cắt đứt dây thần kinh vận động đùi thì cơ đùi sẽ mất trương lực, cơ sẽ mềm nhũn.

2.2. Chức năng sinh dưỡng

Chức năng dinh dưỡng được thực hiện bởi các neuron sinh dưỡng trong tuỷ sống chi phối và chịu sự điều khiển của một đoạn tuỷ.

2.3. Chức năng dẫn truyền

Chức năng dẫn truyền của tuỷ sống do phần chất trắng đảm nhận. Chất trắng tủy sống gồm những sợi thần kinh dẫn truyền cảm giác từ sừng sau lên não và những sợi thần kinh truyền xung động từ não xuống sừng trước tủy sống.

Đường cảm giác sâu có ý thức cho ta biết được vị trí cử động của từng phần cơ thể, cảm nhận về trọng lượng, áp lực còn gọi là cảm giác vị trí cơ thể. Đường cảm giác sâu không ý thức do tiểu não chi phối giúp cơ thể thăng bằng, phối hợp các động tác.

Ngoài ra trong chất trắng của tuỷ sống còn có các đường dẫn truyền ngắn nối các đốt tuỷ sống với nhau

Chương trước

Chương tiếp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *