PHẦN 2 – SINH LÝ HOẠT ĐỘNG THẦN KINH CẤP CAO
CHƯƠNG 4 – CÁC LOẠI HÌNH THẦN KINH
Loại hình thần kinh được xác định bằng sự phối hợp các tính chất cơ bản của hệ thần kinh. Các tính chất này phụ thuộc vào các đặc điểm hình thái và cấu trúc của tế bào thần kinh, đó là các tính chất bẩm sinh của hệ thần kinh. Các tính chất đó không phải luôn luôn được di truyền, mà có thể được hình thành trong thời gian phát triển của phôi và trong thời gian nhất định sau khi sinh, khi hệ thần kinh chưa được hình thành và phát triển đầy đủ. Tác dụng của môi trường bên ngoài vào cơ thể như dinh dưỡng, bệnh tật hay các yếu tố khác… có thể ảnh hưởng đến các tính chất cơ bản của hệ thần kinh. Trong sự hình thành loại hình thần kinh, đồng thời với yếu tố di truyền, môi trường sống cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng.
I. CÁC TIÊU CHUẨN PHÂN LOẠI
Đặc điểm hoạt động thần kinh cấp cao được xác định bằng tính chất của các quá trình thần kinh (hưng phấn và ức chế), bằng cường độ, bằng tương quan và bằng tính linh hoạt của chúng. Dựa trên các tính chất cơ bản nói trên, Pavlov đã đưa ra các tiêu chuẩn để phân loại các loại hình thần kinh như sau:
- Cường độ của quá trình thần kinh: Phụ thuộc vào khả năng hoạt động của các tế bào thần kinh trong vỏ não và trong các tổ chức dưới vỏ
- Cân bằng của quá trình thần kinh: Khi hưng phấn và ức chế mạnh như nhau thì cường độ cân bằng
- Tính linh hoạt của các quá trình thần kinh: Tính linh hoạt của các quá trình thần kinh được đánh giá theo sự xuất hiện cũng như sự kết thúc của các quá trình hưng phần và ức chế nhanh hay chậm. Tính linh hoạt còn được đánh giá theo khả năng chuyển tự quá trình này sang quá trình khác đơn giản hay khó khăn. Khi quá trình hưng phấn và ức chế diễn ra nhanh, kết thúc nhanh và sự chuyển từ quá trình này sang quá trình khác được thực hiện dễ dàng, tức là hệ thần kinh linh hoạt. Ngược lại, các quá trình hưng phấn và ức chế xuất hiện chậm, kết thúc chậm và quá trình chuyển từ hưng phấn sang ức chế và ngược lại thực hiện khó khăn, tức là hệ thần kinh không linh hoạt.
II. CÁC LOẠI HÌNH THẦN KINH CƠ BẢN
Từ các tính chất khác nhau, cường độ mạnh yếu, cân bằng hay không cân bằng, linh hoạt hay không linh hoạt của quá trình thần kinh mà hình thành rất nhiều loại thần kinh.
Bốn loại hình thần kinh cơ bản:
Ở các động vật thuộc loại hình thần kinh yếu khó thành lập các phản xạ có điều kiện và khó củng cố đến mức bền vững, thường thấy những nét đặc trưng như nhút nhát, sợ sệt và có những phản ứng tự vệ thụ động. Những người thuộc loại này thường người không có khả năng tự lập, phụ thuộc vào kẻ khác. Trong tình cảnh khó khăn họ thường buông tay, cúi đầu, cuộc sống đối với họ là những bước đường đầy trở ngại, gian truân, không thế khắc phục được. Trẻ em loại này có đặc điểm là nhút nhát, dễ vâng lời và trầm lặng.
- Loại yếu (u sầu): Cả hai quá trình thần kinh (hưng phấn và ức chế) đều yếu, nhất là ức chế, tập phản xạ có điều kiện khó và không bền vững, dễ bị bệnh tâm thần.
Ở các động vật thuộc loại hình thần kinh yếu khó thành lập các phản xạ có điều kiện và khó củng cố đến mức bền vững, thường thấy những nét đặc trưng như nhút nhát, sợ sệt và có những phản ứng tự vệ thụ động. Những người thuộc loại này thường người không có khả năng tự lập, phụ thuộc vào kẻ khác. Trong tình cảnh khó khăn họ thường buông tay, cúi đầu, cuộc sống đối với họ là những bước đường đầy trở ngại, gian truân, không thế khắc phục được. Trẻ em loại này có đặc điểm là nhút nhát, dễ vâng lời và trầm lặng.
- Loại mạnh, không cân bằng (nóng nảy): Quá trình hưng phấn mạnh hơn ức chế, dễ bị kích thích, nóng nảy. Dễ thành lập phản xạ có điều kiện và bền vững, còn ức chế khó tập trung, dễ bị bệnh tâm thần.
Các động vật thuộc loại này thường dễ bị kích động, dũng mãnh không chịu được sự gò bó, rất khó thành lập các ức chế có điều kiện. Người thuộc loại này có đặc điểm dễ bị kích thích, hăng hái nhưng thường nóng nảy, dễ nổi giận. Trẻ ẻm thuộc loại này thường có năng khiếu nhưng xốc nổi và dễ tự ái.
- Loại mạnh, cân bằng, nhưng kém linh hoạt (trơ lỳ): Hưng phấn và ức chế có cường độ mạnh tương đương nhau, nhưng tính linh hoạt kém.
Các động vật loại này thường chậm chạp, bình tĩnh. Chúng rất khó khăn trong việc thay đổi hoạt động định hình trong tập tính đã được định hình từ trước, các thói quen ở chúng rất bền vững, việc thay đổi ý nghĩa tín hiệu các kích thích rất khó khăn. Những người thuộc loại này (bình thản) là những người yêu lao động, cần cù. Ở họ có đặc điểm là các động tác chậm chạp, nói năng bình tĩnh và chậm rãi. Trẻ em thuộc loại này là những em bình tĩnh trong điều kiện bình thường, hoạt bát trong những điều kiện khó khăn.
- Loại mạnh, cân bằng, và linh hoạt (linh hoạt): Hưng phấn và ức chế có cường độ mạnh tương đương nhau, và có tính linh hoạt cao, dễ tập phản xạ có điều kiện và bền vững, thay đổi định hình nhanh.
Các động vật thuộc loại này rất dễ thành lập phản xạ có điều kiện và nhanh chóng trở nên bền vững, dễ thành lập các loại ức chế, đa số nhanh nhẹn, phản ứng nhanh với các kích thích mới lạ. Chúng rất nhanh chóng và dễ dàng thích nghi với các thay đổi của môi trường xung quanh. Người thuộc loại này thường có đặc điểm ‘có tính chịu đựng’, tự chủ bản thân đồng thời nhiệt tình và có khả năng trong công tác. Họ dễ thích nghi với những điều kiện thay đổi trong cuộc sống, dễ dàng tạo lập những thói quen mới. Trẻ em thuộc loại này thường nhanh nhẹn, có tính kỷ luật cao và hay quan tâm đến mọi vấn đề trong cuộc sống.
Ví dụ: Có hai con thỏ đang nằm trong bụi cây, một con có thần kinh mạnh, cân bằng và linh hoạt (A), một con có quá trình thần kinh mạnh, cân bằng và không linh hoạt B). Hai con thỏ cùng phát hiện sự xuất hiện của kẻ thù (chó sói).
Con thỏ A liền nhảy vọt khỏi bụi cây để tìm đường chạy trốn. Điều này đồng nghĩa với thỏ phơi mình cho chó sói thấy. Con thỏ này có thể chạy thoát, nếu may mắn tìm được một cái hang để trốn và cũng có thể bị chó sói đuổi kịp và tóm gọn. Như vậy, ở con thỏ này có hai khả năng xảy ra, một là sống và một là chết.
Trong khi đó con thỏ B vẫn còn đang do dự nằm trong bụi. Con thỏ thứ hai này có thể thoát chết, nếu chó sói không phát hiện được nó, đồng thời cũng có thể bị chó sói tóm gọn nếu lúc đó có một luồng gió mang mùi của nó đến mũi của chó sói. Trong trường hợp này cũng có hai khả năng xảy ra, một là không bị sói vồ, một là bị sói tóm gọn.
Các loại thần kinh trên dễ nhận thấy ở trẻ em và động vật, còn đối với người trưởng thành thì phức tạp hơn, khó nhận thấy hơn do giáo dục, tập luyện, ảnh hưởng của môi trường sống, làm cho các loại thần kinh có sự thay đổi. Những người thần kinh loại yếu thì bất kỳ một cảm giác đau nhẹ ở mọi bộ phận trong cơ thể, thông qua ám thị và tâm lý lo lắng làm họ tưởng là mắc bệnh trầm trọng, vì vậy những cảm giác bất thường đó được duy trì, cộng hưởng, khuyếch đại gây ra các triệu chứng bệnh lý. Khi những triệu chứng này đã hình thành, lại thông qua tâm lý bệnh hoạn của tự ám thị, sẽ thành một vòng lẩn quẩn. Từ đó gây ra những rối loạn chức năng thật sự, đây là cơ chế phát sinh của loạn thần kinh chức năng. Một số người thuộc loại thần kinh mạnh nhưng không cân bằng, dễ có những hành vi bất thường trong cuộc sống, cũng như khi mắc bệnh. Với những người thần kinh mạnh, thăng bằng nhưng kém linh hoạt khi bệnh kéo dài, vỏ não suy yếu do lo lắng, những lo lắng nào cộng thêm bệnh tật sẵn có sẽ làm tình trạng trầm trọng thêm.
III. CÁC LOẠI HÌNH THẦN KINH RIÊNG BIỆT Ở NGƯỜI
Kích thích là những yếu tố tác động lên cơ thể, mỗi kích thích là một tín hiệu, tín hiệu là sự báo trước yếu tố nào sẽ kích thích lên cơ thể. Ở người có hai hệ thống tín hiệu cùng hoạt độngvà tác động qua lại cũng như mối tương quan của chúng ở từng người là khác nhau, do đó biểu hiện và khả năng hoạt động ở từng người là khác nhau tùy thuộc vào khả năng tư duy.
Hệ thống tín hiệu thứ nhất chung cho cả người và động vật, có đặc tính cụ thể: sờ, nghe, nếm, nhìn thấy, ngữi thấy …bao gồm các kích thích không điều kiện và có điều kiện.
Hệ thống tín hiệu thứ hai là những tín hiệu có đặc tính trừu tượng, chỉ có ở loài người, đây là hệ thống tín hiệu có tư duy.
Tiếng nói (ngôn ngữ) là kích thích có điều kiện, hiểu nội dung ý nghĩa của ngôn ngữ tức là đã thành lập được phản xạ có điều kiện, là sản phẩm của hoạt động của tế bào vỏ não. Như vậy tư duy là sản phẩm của hoạt động vỏ não hay tinh thần là sản phẩm của hoạt động tổ chức vật chất tinh vi nhất.
Tư duy được thành lập theo các bước:
- Nhận thức cảm tính: dựa trên hệ thống tín hiệu thứ nhất gồm cảm giác (kết quả thô sơ của các giác quan), tri giác hay ấn tượng (kết quả chung của một số loại cảm giác) và tri thức hay nhận thức (dựa trên những tri giác mà biết được bản chất của vấn đề).
- Nhận thức lý tính: dựa trên hệ thống tín hiệu thứ hai chỉ có ở loài người bao gồm khái niệm (một số hiểu biết điển hình về một vấn đề), quan niệm (vận dụng các khái niệm trong những liên hệ mới), quan điểm (vận dụng quan niệm trên lập trường).
Quá trình vận dụng khái niệm + quan niệm + quan điểm tạo ra tư duy.
Phân loại thần kinh dự trên hai hệ thống tín hiệu và 2 đặc tính bẩm sinh:
- Loại nghệ sĩ: hệ thống tín hiệu thứ nhất chiếm ưu thế, tâm lý loại này thiên về cụ thể, nặng về cảm tình. Tư duy có tính chất cụ thể giàu hình ảnh: họa sĩ, nhạc sĩ …
- Loại tư tưởng: hệ thống tín hiệu thứ hai chiếm ưu thế. Loại người này nhận thức thực tế khách quan thiên về trừu tượng, lý thuyết: nhà khoa học, toán lý hóa …
- Loại trung gian: có hai hệ thống tín hiệu thăng bằng nhau.
Kết hợp 3 đặc tính bẩm sinh và 2 hệ thống tín hiệu sẽ có nhiều loại thần kinh khác nhau. Loại thần kinh trong một số trường hợp còn quyết định thể lâm sàng của bệnh tâm thần: loạn thần kinh, hystéria thường gặp ở những người thuộc loại thần kinh nghệ sĩ. Loạn tâm thần suy nhược gặp ở những người thuộc loại thần kinh tư tưởng. Suy nhược thần kinh gặp ở người thuộc loại thần kinh trung gian.
Đặc điểm của loại hình thần kinh nghệ sĩ là hoạt động của hệ tín hiệu thứ nhất ở họ mạnh hơn so với hoạt động của hệ tín hiệu thứ hai, tuy hệ thông tín hiệu thứ hai ở họ cũng phát triến tốt. Sự tiếp nhận thế giới xung quanh và quá trình tư duy của họ chủ yếu là những hình ảnh cụ thể cùa các sự vật và sự kiện. Họ sống bằng ấn tượng, họ nhớ về quá khứ và hình dung về tương lai bằng các hình ảnh, các sự kiện đã qua và sắp tới. Sự tiếp nhận thực tiễn ở họ đặc biệt tinh vi và sâu sắc. Trong loại hình thần kinh nghệ sĩ có thể tìm thấy đủ loại màu sắc khác nhau như họa sĩ, nhạc sĩ, thi sĩ v.v…
Đặc điểm của loại hình thần kinh tư tưởng là khả năng tư duy trừu tượng ở họ phát triển rất mạnh, tuy hệ thống tín hiệu thứ nhất ở họ cũng phát triển đầy đủ. Qua hệ thông tín hiệu thứ hai (tiếng nói, chữ viết), loại này có thể tiếp thu một cách sâu sắc, nên họ có thế dự đoán trước được sự phát triển của sự vật, có thế rút ra những nhận định, tạo ra được những tiền đề để phát hiện những sự kiện sớm hơn so với quá trình quan sát từ thực tiễn. Thuộc loại tư tưởng là các nhà triết học, toán học, kể cả các nhà chiêm tinh học…
Nhìn chung, số lượng người thuộc hai loại hình thần kinh nói trên không nhiều, đa số người còn lại thuộc về loại hình thần kinh trung gian. Đặc điểm của loại hình thần kinh trung gian là ở họ các quá trình tư duy cụ thể và tư duy trừu tượng kết hợp hài hòa, trong đó hoạt động của hệ thống tín hiệu thứ hai có trội hơn chút ít so với hoạt động của hệ tín hiệu thứ nhất. Ở loại hình thần kinh trung gian có sự kết hợp sống động những ấn tượng cụ thể với tư duy trừu tượng, tư duy logic.