PHẦN 2 – SINH LÝ HOẠT ĐỘNG THẦN KINH CẤP CAO
CHƯƠNG 9 – CHÚ Ý
1. KHÁI NIỆM VỀ CHÚ Ý
Có nhiều định nghĩa về sự chú ý:
Theo A.R. Luria – nhà tâm lý học, thì chú ý là sự chọn lọc một số lượng không lớn các kích thích có tác động mạnh và có ý nghĩa sinh học từ một số lượng lớn các kích thích tác động vào cơ thể con người và động vật. M.Miller – nhà tâm sinh lý cho rằng khi một phức hợp các kích thích gây ra phản ứng và loại trừ tác dụng của tất cả các tín hiệu còn lại, gọi là sự chọn lọc và sự chọn lọc này chính là sự chú ý.
Trong tâm lý học, chú ý được hiểu là sự định hướng tích cực của ý thức con người vào một đối tượng hay hiện tượng nhất định nào đó của thế giới bên ngoài hay bên trong cơ thể. Chú ý vừa là một trạng thái đặc biệt, vừa là một quá trình tâm lý. Chú ý được xem là cơ chế tổ chức hoạt động tâm lý của con người.
Các nhà sinh lý học cho rằng chú ý là phản xạ định hướng, phản xạ tìm tòi (Pavlov, 1910). Phản xạ định hướng là phản xạ dương tính, tích cực trả lời lại những biến đổi bất kỳ của hoàn cảnh xung quanh, theo hướng làm cho cơ thể có được sự tiếp nhận tương ứng để có được dấu vết tốt nhất của kích thích.
Tuỳ thuộc vào mức độ chú ý, trong tâm lý học chia ra ba loại chú ý:
- Chú ý không chủ định: Nảy sinh ngoài ý định của con người do ảnh hưởng trực tiếp của kích thích bên ngoài. Nó không đòi hỏi sự nỗ lực của ý chí và thường kéo dài cho đến khi kích thích bên ngoài ngừng tác động. Chú ý không chủ định có thể có tác dụng tích cực và tiêu cực. Nếu nó làm phân tán sự chú ý, gây không tập trung được ý thức vào đối tượng cần theo dõi, thì mang tính chất tiêu cực. Ngược lại, nếu nó tạo ra hứng thú, góp phần hướng ý thức tập trung cao độ vào đối tượng đang cần theo dõi thì mang tính chất tích cực.
- Chú ý có chủ định: Nảy sinh theo ý định của con người, đòi hỏi sự nỗ lực của ý chí, nhằm đạt được mục đích đã xác định và thường có tính bền vững cao. Chú ý có chủ định mang tính chất tích cực, chủ động và thường có kế hoạch, biện pháp thực hiện cụ thể.
- Chú ý sau chủ định: Nảy sinh từ chú ý có chủ định. Lúc đầu người ta phải nỗ lực ý chí để buộc mình phải tập trung vào một việc gì đó, nhưng về sau ý thức được tập trung vào đối tượng sẽ hoạt động một cách tự nhiên.
2. CÁC THÀNH PHẦN CỦA PHẢN XẠ ĐỊNH HƯỚNG
Tương tự phản xạ có điều kiện và không điều kiện, biểu hiện bên ngoài của bất kỳ phản ứng nào của cơ thể đều liên quan đến nhiều thành phần dược hưng phấn như cơ, tuyến, mạch máu, tim… Từ đó cho rằng trong phản xạ định hướng gồm nhiều thành phần như vận động, thực vật, phản ứng điện hịc, và thành phần cảm giác.
- Thành phần vận động: sự co cứng cơ (tư thế cứng đờ khi bị tác động của kích thích gây cảm giác sợ hãi), sự vận động mắt, vận động tai, sự quay đầu hướng về phía có nguồn kích thích.
- Thành phần hô hấp: ngừng thở, thở chậm hoặc tăng vận động hô hấp
- Thành phần tim: giảm hay tăng nhịp tim
- Thành phần mạch: co mạch ngoại vi, giãn mạch ở trung ương. Sự biến động các thành phần hô hấp, tim mạch phụ thuộc vào tính chất của kích thích và vào loại hình thần kinh, tuổi tác.
- Thành phần con ngươi: mở rộng đồng tử
- Thành phần điện trở da: tăng hoặc giảm điện trở da
- Thành phần điện não: xuất hiện phản ứng mất đồng bộ, cụ thể là giảm hay mất nhịp alpha trên điện não người, giảm các sóng alpha trên động vật
- Thành phần cảm giác: khi tác động của các kích thích gây phản xạ định hướng, sự dẫn truyền các xung động hướng tâm có thể thay đổi trên các phần khác nhau của cơ quan phân tích kể từ các thụ cảm thể đến tận vỏ não.
3. CƠ CHẾ THẦN KINH CỦA PHẢN XẠ ĐỊNH HƯỚNG
Các cấu trúc thần kinh điều khiển phản xạ định hướng là vỏ não, thể lưới thân não và đồi thị.
Tham gia điều hoà phản ứng định hướng cso thể lưới thân não, võ não mới và cũ (hồi hải mã). Võ não thông qua thân não và đồi thị điều khiển các cơ chế thực hiện phản xạ định hướng trong thể lưới thân não. Các luồng xung động từ vỏ não đặc biệt là từ hồi trán làm thay đổi tức thì hoạt động của nhiều cấu trúc trong não bộ (kể cả vỏ não) tham gia vào việc thực hiện phản xạ định hướng, kể cả sự chú ý có chủ định.