Phần 1 – Chương 1 – TỔNG QUAN

PHẦN 1 – GIẢI PHẪU CHỨC NĂNG

CHƯƠNG 1 – TỔNG QUAN

Cấu trúc cơ thể người bao gồm nhiều cấp độ

 (1) Chemical level: Cấp đơn giản nhất là hóa học, các nguyên tử kết hợp với nhau để tạo thành các phân tử như nước, đường, vật chất di truyền (ADN, ARN), chất đạm, chất béo …

(2) Cellular level:  Các phân tử liên kết với nhau tạo thành các tế bào, là đơn vị nhỏ nhất của mọi sinh vật, tất cả các tế bào đều có những cấu trúc và chức năng cơ bản giống nhau, tuy nhiên mỗi loại tế bào tế bào rất khác nhau về kích thước, hình dạng và vai trò của chúng trong cơ thể

(3) Tissue level:  Các tế bào có cùng chức năng tập hợp lại thành các

(4) Organ level: quan là một cấu trúc bao gồm nhiều loại mô cùng thực hiện một chức năng

(5) Organ system level: Hệ quan bao gồm nhiều cơ quan hoạt động để thực hiện một nhiệm vụ chung

(6) Organismal level:  Các hệ cơ quan tạo nên thể người.

Hầu hết chúng ta đều tò mò về cấu tạo của cơ thể, muốn biết suy nghĩ, cảm xúc, hành vi… từ đâu mà ra, muốn hiểu và giải thích những hiện tượng thường gặp trong cuộc sống như là vì sao em bé sơ sinh có thể cười vui mỗi nghe tiếng tặc lưỡi của mẹ, vì sao lúc còn là đứa trẻ chúng ta lại tin rằng khi nuốt một cái hạt thì nó sẽ mọc thành cái cây trong bụng, vì sao khi mới bắt đầu biết yêu thì tim thường đập nhanh khi gặp phải đối tượng thầm thương trộm nhớ

Giải phẫu (anatomy) mô tả cấu trúc và hình thái từ cấp độ tế bào đến cơ thể người, chức năng của chúng và đặc biệt là sự liên kết của chúng với nhau. Những cấu trúc có thể nhìn thấy được bằng mắt thường thuộc về giải phẫu đại thể, những cấu trúc phải sử dụng các công cụ hỗ trợ quang học như là kính hiển vi thuộc về giải phẫu vi thể.

Sinh lý học (physiology) là ngành khoa học nghiên cứu về cách thức hoạt động của cơ thể, thường được trình bày theo các hệ cơ quan. Việc nghiên cứu các cơ chế sinh lý được thực hiện thông qua việc đo lường các tính chất vật lý của cấu trúc sinh học như là: hoạt động điện, lực cơ học, sóng điện từ, sóng ánh sáng…

Hoạt động thần kinh cấp cao (hoạt động tinh thần) thực hiện trên cơ sở phản xạ có điều kiện, liên quan trực tiếp tới hoạt động của bán cầu đại não. Hoạt động thần kinh cấp thấp (hoạt động tích hợp các bộ phận cơ thể) thực hiện trên cơ sở phản xạ không điều kiện, liên quan trực tiếp tới hoạt động ở phần dưới thấp của thần kinh trung ương như là thân não, tủy sống…

Giải phẫu và sinh lý hoạt động thần kinh cấp cao giúp giải thích vấn đề liên quan tới hoạt động của hệ thần kinh như nhận thức, cảm xúc, ý thức, trí nhớ, tư duy, giao tiếp … Khi các hoạt động này mất cân bằng sẽ dẫn tới các rối loạn chức năng từ đó có thể gây ra tổn thương các cơ quan tạo ra bệnh lý. Hiểu về giải phẫu và sinh lý học sẽ giúp giải thích các cơ chế gây bệnh tìm ra các phương pháp điều trị hiệu quả.

Trong các ngành khoa học, tâm lý học (psychology) có vẻ là ngành bí hiểm nhất và dễ bị hiểu lầm nhất. Tâm lý học có thể xem là cầu nối của triết học (philosophy) và sinh lý học, trong khi triết học quan tâm tới ý thức về sự tồn tại (ta là ai, ta từ đâu tới, ta làm gì trên thế giới này…) thì tâm lý học nghiên cứu vấn đề hình thành nên ý thức. Psychology có nguồn gốc từ chữ Hy Lạp cổ nghĩa là “sự học về tâm hồn” (“study of the psyche or soul”). Hán tự từ tâm lý viết là 心理, gồm chử tâm 心 nghĩa là tim, chử lý 理 nghĩa là lý lẽ, lý luận, cho nên Tâm lý học là học về cảm xúc và tư duy, diễn Nôm theo kiểu Việt Nam là “con tim và lý trí”.

“Tâm lý là toàn bộ những hiện tượng tinh thần nảy sinh trong não người, gắn liền và điều khiển toàn bộ hoạt động, hành vi của con người” – Tâm lý học, Phạm Minh Hạc (1988), NXB Giáo Dục Hà Nội

MỘT SỐ THUẬT NGỮ

Chủ quan là cách nhìn nhận sự vật theo ý nghĩ của mình, điều mình cho là đúng thì nó là đúng. Khách quan là nhìn nhận sự vật theo bản chất của nó, không phụ thuộc vào ý thức của con người. Thế giới quan là quan điểm của mỗi người về thế giới.

Về sinh lý học, hoạt động là sự tiêu hao năng lượng thần kinh và cơ bắp của con người khi tác động vào hiện thực khách quan nhằm thỏa mãn nhu cầu của con người. Về tâm lý học, hoạt động là mối quan hệ tác động qua lại giữa con người và thế giới để tạo ra sản phẩm về cả phíathế giới và con người.

Giao tiếp là sự tiếp xúc tâm lý giữa người với người, thông qua đó con người trao đổi thông tin, cảm xúc, tác động qua lại và ảnh hưởng lẫn nhau mà trong đó giao tiếp xác lập và vận hành các mối quan hệ người – người hiện thực hóa các quan hệ xã hội giữa chủ thể này với chủ thể khác.

Ý thức là hình thức phản ảnh tâm lý cao nhất chỉ riêng con người mới có, phản ánh bằng ngôn ngữ, là khả năng con người hiểu được những tri thức mà con người đã tiếp thu.

Tự ý thức là ý thức về bản thân bao gồm năng lực nhận thức và xác định thái độ đối với bản thân, năng lực tự điều chỉnh hành vi, thái độ cũng như toàn bộ sự phát triển nhân cách.

Vô thức là những hiện tượng tâm lý tham gia vào việc điều khiển hành vi của con người ở tầng bậc chưa ý thức, nơi mà chức năng ý thức không được thực hiện. Một số biểu hiện của vô thức: thích hay sợ một cái gì đó nhưng không hiểu rõ vì sao (dưới ngưỡng ý thức), nói mớ, mộng du, thôi miên, thói quen, kỹ xảo, trực giác, linh cảm, hiện tượng tâm thế …

Cảm giác là quá trình nhận thức phản ánh một cách riêng lẻ từng thuộc tính của sự vật hiện tượng khi chúng đang tác động trực tiếp vào giác quan.

Tri giác là quá trình tâm lý phản ánh một cách trọn vẹn những thuộc tính của sự vật, hiện tượng khi chúng đang tác động trực tiếp vào giác quan.

Tư duy là quá trình nhận thức phản ánh những thuộc tính bản chất, những mối liên hệ, quan hệ có tính quy luật của sự vật hiện tượng khách quan mà trước đó ta chưa biết.

Tưởng tượng là quá trình tâm lý phản ảnh những cái chưa từng có trong kinh nghiệm của cá nhân bằng cách xây dựng các hình ảnh mới dựa trên cơ sở những biểu tượng đã có

Trí nhớ là quá trình tâm lý phản ánh những kinh nghiệm đã trải qua của con người dưới hình thức biểu tượng.

Chú ý là sự tập trung của ý thức vào một hay một nhóm sự vật, hiện tượng để định hướng hoạt động, đảm bảo điều kiện cần thiết cho hoạt động tiến hành có hiệu quả.

Cảm xúc là những rung động đối với từng sự vật, hiện tượng riêng lẽ có liên quan tới nhu cầu, động cơ của chủ thể trong những tình huống nhất định. Cảm xúc là quá trình tâm lý có ở người và động vật, có tính nhất thời phụ thuộc vào tình huống, gắn liền với phản xạ không điều kiện, với bản năng; giúp cơ thể sinh vật định hướng và thích nghi với môi trường bên ngoài.

Cảm tình là những rung động, nhưng nó biểu thị thái độ của con người đối với một loạt sự vật hiện tượng có liên quan tới nhu cầu, động cơ của chủ thể. Cảm tình là thuộc tính tâm lý chỉ có ở người, có tính chất ổn định và bền vững, gắn liền với phản xạ có điều kiện và hệ thống ngôn ngữ thứ hai, giúp con người định hướng và thích nghi với xã hội.

Nhân cách là tổ hợp những đặc điểm, những thuộc tính tâm lý cá nhân thể hiện bản sắc và giá trị xã hội của con người.

Tính cách là sự kết hợp độc đáo các đặc điểm tâm lý ổn định của con người, quy định phương thức hành vi đặc thù của người đó trong những điều kiện sống và hoàn cảnh nhất định, thể hiện thái độ của họ đối với thế giới xung quanh và bản thân (trung thực, chung thủy, vị tha …

Khí chất là thuộc tính phức hợp của cá nhân, biểu hiện cường độ, tốc độ, nhịp độ của các hoạt động tâm lý, thể hiện sắc thái, hành vi, cử chỉ, cách nói năng của cá nhân.

Tập tính là những phản ứng trả lời các kích thích từ môi trường bên ngoài hoặc bên trong cơ thể, bao gồm tất cả các hoạt động như săn mồi, sinh sản, chăm sóc con non, chải lông, di cư về phương Nam… Tập tính bẩm sinh là chuỗi phản xạ không điều kiện, có từ khi mới sinh ra, đặc trưng cho loài, bền vững, không thay đổi. Tập tính học được là chuỗi phản xạ có điều kiện, không bền vững và có thể thay đổi. Sự hình thành tập tính học được ở động vật phụ thuộc vào mức độ tiến hóa của hệ thần kinh và tuổi thọ của chúng.

Bản năng là một thuật ngữ còn nhiều tranh luận:

  • Theo APA Dictionary of Psychology: là phản ứng của cơ thể đối với các kích thích cụ thể có tính bẩm sinh, đặc trưng cho loài; trong lý thuyết phân tâm học cổ điển, là nhu cầu cơ bản (đói, khát, tình dục …) phải được đáp ứng để duy trì trạng thái cân bằng về thể chất và tâm lý, Sigmund Freud phân loại thành hai loại: bản năng sốngbản năng chết; trong cách sử dụng phổ biến, bất kỳ hoạt động được di truyền hoặc không hình thành từ quá trình học.
  • Theo Wikipedia (English): là khuynh hướng vốn có của một sinh vật sống biểuhiện bằng hành vi cụ thể, chứa cả yếu tố bẩm sinh (có từ lúc sinh ra) và học được.
  • Theo Đỗ Công Huỳnh (Giáo trình sinh lý hoạt đồng thần kinh cấp cao-2007): Trong hoạt động sống của người và động vật có những hoạt động không phải là phản xạ không điều kiện cũng không phải là phản xạ có điều kiện mà là một chuỗi các phản xạ có điều kiện và không điều kiện nối tiếp nhau được gọi là bản năng. Bản năng được cũng cố trong quá trình phát triển chủng loài và phát triển cá thể. Có thể nói, bản năng là một dạng hoạt động được chương trình hóa trong hệ thần kinh và có sự tham gia của các yếu tố thần kinh và hormon.

NHIỆM VỤ CỦA CHUYÊN NGÀNH

  • Tìm hiểu bản chất của các quá trình hưng phấn và ức chế cùng sự tác động qua lại giữa chúng.
  • Nghiên cứu quá trình phân tích và tổng hợp trong vỏ các bán cầu đại não.
  • Nghiên cứu mối quan hệ giữa tính chất hoạt động tích cực của não bộ và những biến đổi trong các yếu tố thần kinh, tức là nghiên cứu quá trình trao đổi chất và các hiện tượng lý hoá học trong các yếu tố thần kinh.
  • Nghiên cứu các đặc điểm hoạt động của hệ thần kinh của các động vật nằm trên các bậc thang tiến hoá khác nhau.
  • Nghiên cứu đặc điểm hoạt động thần kinh cấp cao ở người, trước hết là nghiên cứu hệ thống tín hiệu thứ hai (tiếng nói) và sự phát triển mối quan hệ giữa hệ tín hiệu thứ nhất và hệ tín hiệu thứ hai
  • Nghiên cứu bệnh lý thần kinh, phối hợp với y học trong cuộc chiến đấu chống bệnh tật, đặc biệt là bảo vệ sức khoẻ tinh thần

Chương tiếp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *