PHẦN 2 – SINH LÝ HĐTKCC
CHƯƠNG 8 – CẢM XÚC & CẢM TÌNH
1. TỔNG QUAN
Cảm xúc (emotion) là những rung động đối với từng sự vật, hiện tượng riêng lẻ có liên quan tới nhu cầu, động cơ của chủ thể trong những tình huống nhất định. Động lực của cảm xúc là sự kích thích tìm kiếm sự thỏa mãn hoặc tránh xa những tình huống khó chịu. Nếu sự vật, hiện tượng thỏa mãn nhu cầu thì gây ra những cảm xúc dương tính (positive) như là cảm giác hạnh phúc khi được quan tâm, vui vẻ khi gặp lại bạn bè, tự hào khi được khen ngợi… Ngược lại, sẽ tạo ra cảm xúc âm tính (negative) khi nhu cầu không được thỏa mãn như là buồn khi bị phạt, lo lắng khi bệnh hoặc bị đe dọa …Cảm xúc thể hiện trạng thái của hệ thần kinh gồm một bộ ba hiện tượng xảy ra đồng thời nhằm phản ứng đối với một tác động hay kích thích từ bên ngoài: phản ứng sinh lý (physiology) như nhịp tim đập nhanh, nhịp thở tăng, nổi da gà, bủn rủn tay chân; biểu hiện hành vi (overt behavior) như miệng cười, mặt đỏ, hoặc có thể dẫn tới cơ thể cứng đờ, líu lưỡi có thể dẫn tới ngất…; cảm giác có ý thức (conscious feeling) như là vui, buồn, sợ hãi,…
Cảm tình là những rung động biểu thị thái độ của con người đối với hàng loạt sự vật, hiện tượng có liên quan tới nhu cầu, động cơ của chủ thể. Ví dụ tình yêu là thái độ chấp nhận và hài lòng về một người nào đó với toàn bộ các đặc điểm về nhân cách lẫn hình thể. Cảm tình không thể hiện một cách trực tiếp như cảm xúc trong những tình huống cụ thể, mà nó tiềm tàng và được nhận biết một cách gián tiếp thông qua những cảm xúc cụ thể. Cảm tình là một thuộc tính tâm lý chỉ có ở con người, giúp con người thực hiện chức năng xã hội.
2. BIỂU HIỆN CỦA CẢM XÚC, CẢM TÌNH
Chúng ta biết cảm xúc, cảm tình là gì và có thể đặt tên cho chúng, nhưng rất khó để mô tả. Một đặc điểm của cảm xúc là chúng khó chủ động bật hoặc tắt. Những cảm xúc được mô tả phổ biến nhất, nảy sinh ở các phần khác nhau của não, là tức giận, hung hăng, cảm xúc tình dục, sợ hãi, lo lắng, vui vẻ, mãn nguyện và hạnh phúc; chúng thường biểu hiện trên 3 phương diện: sinh lý, hành vi (cử chỉ điệu bộ) và nhận thức.
Hệ viền, đặc biệt là vùng được gọi là hạch hạnh nhân, là trung tâm của cảm xúc trong não người. Các nhà khoa học đã tìm hiểu về vai trò của vùng não này thông qua các thí nghiệm trên người và động vật. Khi hạch hạnh nhân được kích thích nhân tạo ở người, giống như trong quá trình phẫu thuật bệnh động kinh, bệnh nhân cho biết họ đã trải qua cảm giác sợ hãi và lo lắng. Các tổn thương thực nghiệm loại bỏ hạch hạnh nhân ở động vật khiến động vật trở nên thuần hóa hơn và biểu hiện phát dục mạnh mẽ (hypersexuality). Các nhà sinh học thần kinh tin rằng hạch hạnh nhân là trung tâm của các bản năng cơ bản như sợ hãi và hung hăng
Các con đường truyền tín hiệu rất phức tạp và tạo thành các vòng tròn khép kín luân chuyển thông tin giữa các phần khác nhau của não, bao gồm vùng dưới đồi, hệ viền và vỏ não. Chúng ta vẫn chưa hiểu rõ các cơ chế thần kinh, và đây là một lĩnh vực nghiên cứu rộng và thú vị.
Các đường truyền tín hiệu
Khi ta nghe một âm thanh có tính cảnh báo, thông tin này sẽ được chuyển lên đồi thị (thalamus); có một con đường tín hiệu truyền trực tiếp từ đồi thị xuống hạnh nhân (amygdala), từ đây thông tin được chuyển qua vùng hạ đồi (hypothalamus) và kích hoạt phản ứng thần kinh giao cảm (sympathetic); bên cạnh đó từ đồi thị một con đường đưa thông tin lên võ não thính giác (auditory cortex) để xử lý rồi truyền tín hiệu xuống hạnh nhân, từ đó biểu hiện thành những hành vi có ý thức.
Các con đường cho cảm xúc rất phức tạp. Các kích thích cảm giác chuyển tới vỏ não được tổng hợp trong não để tạo ra sự nhận thức về thế giới. Sau khi thông tin được tích hợp bởi các khu vực liên kết, nó được chuyển đến hệ viền. Phản hồi từ hệ viền đến vỏ não tạo ra nhận thức về cảm xúc, trong khi các đường đi xuống vùng dưới đồi và thân não bắt đầu các hành vi tự ý và phản ứng vô thức qua trung gian của các hệ thống vận động tự động, nội tiết, miễn dịch.
Sự khác biệt của biểu hiện khuôn mặt (nụ cười) do phản xạ và do ý thức
Sự biểu hiện trên phương diện sinh lý có thể gây ấn tượng mạnh như tiếng tim đập thình thịch của phản ứng thần kinh giao cảm chiến đấu hoặc bỏ chạy hay thay đổi trong thành phần các chất hóa học của máu, thần kinh, thể dịch trong cơ thể.
Sự biểu hiện trên phương diện hành vi như nét mặt, cử chỉ, điệu bộ. Một số nghiên cứu cho rằng cơ mặt con người co thê diễn tà 7.000 biểu cảm khác nhau. Những biểu hiện này về cơ bản mang tính bẩm sinh, tuy nhiên có thể khác biệt do yếu tố văn hóa.
Sự biểu hiện trên phương diện nhận thức biểu hiện qua ngôn ngữ, ý thức của con người, dùng ngôn ngữ để mô tả lại trãi nghiệm đó.
Động lực được định nghĩa là những tín hiệu bên trong hình thành các hành vi tự chủ. Một số hành vi này, chẳng hạn như ăn, uống và quan hệ tình dục, có liên quan đến sự sống còn. Những người khác, chẳng hạn như tò mò và quan hệ tình dục, có liên quan đến cảm xúc.
Một số trạng thái động lực được biết như là “nghị lực” và thường có ba đặc tính chung:
(1) chúng tạo ra trạng thái tăng kích thích thần kinh trung ương hoặc sự tỉnh táo
(2) chúng tạo ra hành vi hướng tới mục tiêu
(3) chúng có khả năng phối hợp các hành vi khác nhau để đạt được mục tiêu đó.
Các hành vi có động cơ thường hoạt động song song với các phản ứng tự động và nội tiết trong cơ thể, như bạn có thể mong đợi với các hành vi bắt nguồn từ vùng dưới đồi. Ví dụ, nếu bạn ăn đồ mặn, nồng độ thẩm thấu trong cơ thể bạn sẽ tăng lên. Kích thích này tác động lên trung tâm khát của vùng dưới đồi, thúc đẩy bạn tìm thứ gì đó để uống. Độ thẩm thấu tăng cũng tác động lên trung tâm nội tiết ở vùng dưới đồi, giải phóng một loại hormone làm tăng khả năng giữ nước của thận. Bằng cách này, một kích thích gây ra cả một hành vi được thúc đẩy và một phản ứng nội tiết cân bằng nội môi.
Một số hành vi có động cơ có thể được kích hoạt bởi các kích thích bên trong mà có thể không rõ ràng ngay. Ăn uống, tò mò và ham muốn tình dục là ba ví dụ về các hành vi với những kích thích phức tạp làm cơ sở cho sự khởi đầu của chúng. Chẳng hạn, chúng ta có thể ăn vì đói hoặc vì thức ăn trông ngon hoặc vì chúng ta không muốn làm tổn thương cảm xúc của ai đó. Nhiều hành vi có động cơ dừng lại khi người đó đã đạt đến mức độ thỏa mãn hoặc cảm giác no nhất định, nhưng họ cũng có thể tiếp tục mặc dù cảm thấy no.
Niềm vui là một trạng thái động lực đang được nghiên cứu mạnh mẽ vì mối quan hệ của nó với các hành vi gây nghiện, chẳng hạn như sử dụng ma túy.
Các nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng khoái cảm là một trạng thái sinh lý đi kèm với sự gia tăng hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh Dopamin trong một số bộ phận của não. Các loại thuốc gây nghiện, chẳng hạn như cocaine và Nicotine, hoạt động bằng cách tăng cường hiệu quả của Dopamin, do đó làm tăng cảm giác thú vị mà não bộ cảm nhận được. Kết quả là, việc sử dụng những loại thuốc này nhanh chóng trở thành một hành vi có thể học được. Điều thú vị là không phải tất cả các hành vi gây nghiện đều mang lại khoái cảm. Ví dụ, có nhiều hành vi cưỡng chế gây nghiện liên quan đến việc tự cắt tóc, chẳng hạn như nhổ tóc ở chân tóc, khổ dâm, …
3. CÁC LOẠI CẢM XÚC
Theo ảnh hưởng lên cơ thể chia cảm xúc thành 2 nhóm: phấn chấn (kích thích vận động) và mềm yếu (kìm hãm vận động).
Theo tính chất và tác dụng đối với hoạt động cơ thể chia cảm xúc thành 2 loại: tích cực – positive (vui vẻ, lạc quan, cảm thấy có trách nhiệm,..) và tiêu cực – negative (buồn, bi quan,chán nản, mất tin tưởng, thiếu sáng suốt, làm việc thụ động, bất lực…)
Dựa vào cường độ, sự tham gia của ý thức, tính ổn định của đối tượng có thể chia thành các mức độ: màu sắc cảm xúc, cảm xúc (tâm trạng, xúc động, say mê và stress) và cảm tình.
- Màu sắc cảm xúc là mức độ thấp nhất của đời sống cảm tình, có cường độ rất yếu, chỉ tồn tại thoáng qua và không được chủ thể ý thức đầy đủ. Ví dụ: mùi nước hoa quyến rũ, cờ tổ quốc ở đấu trường quốc tế,…
- Cảm xúc có cường độ mạnh hơn, là thể nghiệm trực tiếp của một cảm tình nào đó, được chủ thể ý thức rõ nét hơn. Ví dụ, niềm vui khi thăng chức, tiếc nuối khi đồng hộ bị hư…
Xúc động là biểu hiện có cường độ mạnh diễn ra trong thời gian ngắn, kèm những thay đổi lớn khiến chủ thể mất đi sự kiểm soát của ý thức (mất cân bằng, nổi xung, hoảng sợ, … ); nguyên nhân thường là những kích thích mạnh, bất ngờ, không thể thích nghi tức khắc được.
Tâm trạng là dạng cảm xúc có cường độ yếu, thường kéo dài dai dẵng, chủ thể không ý thức rõ nguyên nhân. Nguyên nhân chủ yếu là hoàn cảnh sống, quan hệ giữa người với người, lối sống, thế giới quan, tính cách và khí chất của cá nhân.
Stress là trạng thái cảm xúc nảy sinh trong những tình huống khó khăn như sống cách biệt, hoạt động căng thẳng hoặc khi bị tác động mạnh. Khi cơ thể stress sẽ diễn ra các giai đoạn báo động → cầm cự → kiệt quệ. Rèn luyện ý chí và thể lực thường xuyên là biện pháp ngăn ngừa stress hiệu quả.
- Cảm tình là những rung động thể hiện thái độ của con người có cường độ mạnh, bền vững và ổn định. Cảm tình là mức độ phản ảnh cao hơn cảm xúc vì chủ thể nhận thức rõ ràng mình có cảm tình với ai, với cái gì…
- Tùy theo loại nhu cầu được thỏa mãn chia thành 2 nhóm: cấp thấp (hệ thống tín hiệu tự nhiên, thỏa mãn nhu cầu mang tính chất sinh học) và cấp cao (liên quan tới hệ thống ngôn ngữ thứ hai, sự tích lũy kinh nghiệm trong hoạt động sống) như là cảm tình trí tuệ, cảm tình lao động, cảm tình đạo đức, cảm tình thẩm mỹ..
- Say mê là một dạng cảm tình đặc biệt có cường độ mạnh, kéo dài. Say mê thường gắn với hứng thú và tạo thái độ tích cực của cá nhân trong hoạt động sống, có thể đạt được những thành tích tốt tuy nhiên cũng có thể dẫn đến mù quáng.
Dựa trên những biến đổi sinh lý chia thành 2 nhóm: hưng cảm và trầm cảm
- Hưng cảm là trạng thái khí sắc nâng cao, vui vẻ, ham muốn, tư duy phản xạ nhanh, trạng thái lạc quan chế ngự toàn bộ, đôi khi kèm cáu gắt, nổi nóng. Do sự hưng phấn toàn não bộ, không xuất hiện các quá trình ức chế
- Trầm cảm là trạng thái khí sắc suy giảm, buồn rầu, chán nản, là cảm giác âm u, khó xác định về một điều khó chịu nào đó. Thường có cảm giác nặng nề về thể xác như khó thở, nặng ngực, giảm ham muốn, cảm thấy cuộc sống tẻ nhạt đôi khi lo lắng sợ hãi, nói lắp. Có sự giảm hoạt động não bộ
4. CÁC QUY LUẬT CỦA CẢM TÌNH
Đời sống cảm tình tuân theo những quy luật nhất định tương ứng với sự vận động của thần kinh cấp cao và thể hiện rất rõ trong đời sống hàng ngày.
Quy luật thích ứng: Nếu một cảm xúc hay cảm tình nào đó được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần một cách không thay đổi sẽ bị suy yếu đi (ức chế trên giới hạn), thay đổi tính chất ban đầu. Nó có thể làm cho đời sống cảm tình trở nên nhàm chán những cũng giúp con người vượt qua những cảm xúc, cảm tình không mong muốn.
Quy luật di chuyển: cảm xúc, cảm tình có thể chuyển từ đối tượng này sang đối tượng khác. Ví dụ như hiện tượng tâm lý “giận cá, chém thớt” hoặc yêu ai yêu cả đường đi lối về. Đây là kết quả của quá trình vận động khuyếch tán, tập trung của não.
Quy luật lây lan: cảm xúc, cảm tình có thể lan truyền từ đối tượng này sang đối tượng khác như hiện tượng vui lây, buồn lây. Nhờ có quy luật lây lan mà con người có thể thông cảm, đồng cảm với nhau. Do hoạt động kích thích và phản ứng của não, kết hợp với sự tham gia của thần kinh giao cảm và mãng lưới thần kinh phản chiếu. Thường được ứng dụng xây dựng nên văn hóa của một nhóm người (hiệu ứng đám đông).
Quy luật cảm ứng: đó là sự tác động qua lại giữa cảm xúc, cảm tình âm tính và dương tính trong cùng một loại. Nghĩa là sự thể nghiệm một cảm xúc, cảm tình này có thể làm cho một thể nghiệm khác đối cực với nó xảy ra đồng thời (cảm ứng không gian) hoặc nối tiếp (cảm ứng thời gian), mạnh hơn hoặc suy yếu đi. Ví dụ khi bạn đang rất vui vì được tặng quà thì việc kết quả thi điểm không cao sẽ làm bạn ít buồn hơn và đồng thời niềm vui được tặng quà cũng sẽ vơi đi so với việc bạn nhận tin điểm thi mà không được nhận quà. Quy luật cảm ứng diễn ra thường xuyên trong cuộc sống cho nên cần nhận biết và đánh giá mức độ thật sự của cảm xúc, cảm tình để tránh có những quyết định sai lầm, vội vàng. Quy luật này thường được ứng dụng trong văn học nghệ thuật để xây dựng tình huống hoặc nhân vật nhằm tăng kịch tính.
Quy luật pha trộn: trong đời sống các cảm xúc âm tính có thể pha trộn với cảm xúc dương tính, nhờ vậy mà dù đối lập nhau chúng vẫn có thể cùng tồn tại ở một người, không loại trừ nhau và còn liên kết ảnh hưởng lẫn nhau, điều này liên quan đến tính linh hoạt của trong hoạt động hưng phấn và ức chế. Ví dụ vì yêu thương, hạnh phúc nên mới lo lắng, ghen hờn, tức giận, “giận thì giận mà thương càng thương” hay “thương cho roi cho vọt”, quy luật này thường thấy trong mối quan hệ gia đình.
Quy luật hình thành cảm tình dựa trên cơ sở hoạt động phân tích tổng hợp bao gồm khái quát hóa, chuyên hóa và hoạt động định hình của các cảm xúc cùng loại. Ví dụ tình yêu nghể được hình thành qua những cảm xúc dương tính trong khi học tập, tìm hiểu và nhất là giai đoạn dấn thân, trải nghiệm công việc. Muốn hình thành cảm tình thì phải bắt đầu từ những cảm xúc cụ thể trong những tình huống cụ thể, nếu không có cảm xúc thì không có được cảm tình do đó cần phải có những hoàn cảnh cụ thể để giúp một cá thể xây dựng được cảm tình dựa trên những rung động có được khi trãi nghiệm.