Học thuyết hành vi học tập xã hội của Albert Bandura (1925 – 2021)

I. Giới thiệu về Albert Bandura

Albert Bandura sinh ngày 04/12/1925 tại Mundare, Alberta, Canada và qua đời ngày 26/07/2021 tại California, Hoa Kỳ. Thành phố mà Bandura sinh ra bé đến nỗi trong ngôi trường địa phương chỉ có vỏn vẹn 20 học sinh và hai giáo viên. Mặc dù giáo dục ở địa phương rất hạn chế nhưng điều này không làm thui chột đi ý chí học hành của Bandura. Đức tính này cũng đã giúp ích trong quá trình phát triển học tập và sự nghiệp sau này của ông.

Năm 1949, Bandura nhận bằng Cử nhân tại Đại học British Columbia. Sau đó, ông tiếp tục theo học Đại học Lowa, Hoa Kỳ , ông lấy bằng thạc sĩ năm 1951, và lấy bằng tiến sĩ năm 1952. Sau này, Bandura gia nhập Đại học Standford và trở thành một giáo sư tại đó.

Công trình nổi tiếng nhất của Albert Bandura là lý thuyết học tập xã hội (Social Learning Theory) và khái niệm về tác động xã hội (Social Cognitive Theory). Lý thuyết của ông cho rằng con người học hỏi thông qua quá trình quan sát và mô phỏng hành vi của người khác, và rằng các yếu tố tác động xã hội như môi trường và giáo dục có ảnh hưởng quan trọng đến việc hình thành và thay đổi hành vi của con người.

Bandura đã từng giữ chức chủ tịch Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ APA vào năm 1973, và đã nhận được bằng khen của Hiệp hội này vì đã có những đóng góp cống hiến khoa học xuất sắc. Ông đã được coi là một trong những nhà tâm lý học quan trọng nhất của thế kỷ 20 và 21, và công trình của ông đã có ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực tâm lý xã hội và giáo dục. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2002, Bandura là nhà tâm lý học được trích dẫn nhiều thứ tư mọi thời đại, trước BF Skinner, Sigmund Freud và Jean Piaget. Và nó được trích dẫn nhiều nhất trong số các nhà tâm lý học còn sống. Ngoài ra, Bandura được coi là nhà tâm lý học quan trọng nhất hiện nay.

II. Lý thuyết hành vi học tập xã hội của Albert Bandura

Học tập là một quá trình phức tạp và chịu tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó quan sát có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình học tập của trẻ em. Nhiều học thuyết tâm lý khác nhau được hình thành và phát triển nhằm giải thích lý do và cách thức học tập của con người.

Lý thuyết học tập xã hội của Albert Bandura là một khía cạnh quan trọng của lý thuyết học tập và nghiên cứu tâm lý xã hội. Lý thuyết này cho rằng con người học hỏi thông qua quá trình quan sát, bắt chước và hình mẫu hóa hành vi của người khác. Trong khi các thuyết hành vi về học tập cho rằng tất cả các dạng thức học tập đều là kết quả của những liên tưởng hình thành từ quá trình điều kiện hóa, củng cố và trừng phạt, thif thuyết học tập xã hội của Bandura lại cho rằng học tập còn có thể xuất hiện đơn giản bằng cách quan sát hành động của người khác.

Thí nghiệm búp bê Bobo

Bandura tuyển chọn 36 trẻ trai và 36 trẻ gái từ 3 đến 6 tuổi để chia làm ba nhóm: Nhóm tiếp xúc với hình mẫu bạo lực, nhóm tiếp xúc với hình mẫu không bạo lực, nhóm không tiếp xúc với hình mẫu nào (nhóm kiểm soát). Bandura dự đoán rằng trẻ quan sát mẫu người lớn không bạo lực sẽ ít hung hãn hơn trẻ quan sát mẫu người lớn bạo lực. Bên cạnh đó, trẻ dễ bắt chước hành vi của người lớn cùng giới và trẻ trai có xu hướng bạo lực hơn trẻ gái.

Từng bé được đưa vào lần lượt ba phòng ở Đại học Stanford. Phòng thứ nhất có rất nhiều đồ chơi và con búp bê mặt hề Bobo cao 1 m. Vài phút trôi qua, một người lớn đi vào phòng. Đối với nhóm trẻ tiếp xúc với hình mẫu bạo lực, người này tấn công Bobo bằng cách đấm, đạp đổ, ngồi lên và sử dụng các câu nói như “đá nó đi”, “bùm”. Đối với nhóm trẻ tiếp xúc với hình mẫu không bạo lực, người lớn phớt lờ Bobo.

Sau khi chứng kiến màn hành hạ búp bê Bobo, các em bé sang phòng tiếp theo. Tại đó, nhà tâm lý cho trẻ chơi đồ chơi rồi lấy lại nhằm kích thích sự giận dữ.

Cuối cùng, trẻ được đưa vào phòng thứ ba chứa một số đồ chơi bạo lực (như súng, búa), một số đồ chơi không bạo lực (như bút chì, giấy, búp bê, động vật bằng nhựa) và cả búp bê Bobo. Mỗi đứa trẻ ở lại phòng này 20 phút. Các tác giả đứng sau một lớp kính một chiều để quan sát và đánh giá phản ứng của trẻ.

Kết quả nghiên cứu diễn ra gần giống với dự đoán của Bandura. Cụ thể, trẻ chứng kiến hành vi bạo lực của người lớn với búp bê Bobo có xu hướng bắt chước lại hành vi này khi không có ai giám sát. Ngược lại, trẻ không chứng kiến hành vi bạo lực tỏ ra bình tĩnh.

Nhìn chung, trẻ trai dễ trở nên bạo lực hơn trẻ gái, đặc biệt khi chứng kiến đàn ông đánh Bobo. Trẻ trai thường bắt chước hành vi bạo lực thể chất còn trẻ gái bắt chước lời nói.

Lý thuyết hành vi học tập xã hội

Lý thuyết học tập xã hội của Albert Bandura là một khía cạnh quan trọng của lý thuyết học tập và nghiên cứu tâm lý xã hội. Lý thuyết này cho rằng con người học hỏi thông qua quá trình quan sát và mô phỏng hành vi của người khác.

Những luận điểm chính trong lý thuyết:

  • Con người không học qua củng cố mà qua quan sát hành vi của người khác và hậu quả của hành vi đó
  • Quá trình học tập bằng cách gợi lại tâm trí và sau đó bắt chước theo những hành vi đã quan sát được từ người khác
  • Hầu hết mọi hành vi con người đều học thông qua bắt chước
  • Điều kiện cần thiết để bắt chước thành công một hành vi của người khác là chú ý, ghi nhớ, tái tạocó động lực.

Bandura giải thích trong cuốn Học thuyết học tập xã hội năm 1977 của mình rằng “Học tập sẽ trở nên cực kỳ gian khổ, nếu không muốn nói là nguy hiểm, nếu con người ta chỉ dựa vào những ảnh hưởng do hành vi mang lại để quyết định mình sẽ làm gì tiếp theo. May mắn thay là hầu hết các hành vi của con người được học tập bằng mắt thông qua các hình mẫu: từ quan sát người khác, ta hình thành ý tưởng về cách thức hành vi được hình thành, và trong những lần liên tưởng về sau, thông tin mã hóa này đóng vai trò như một kim chỉ nam hành động.”

Ngoài ra, các trạng thái tinh thần đóng vai trò quan trọng đối với quá trình học tập. Chỉ quan sát hành động của người khác không phải lúc nào cũng đủ để đưa đến học tập. Trạng thái tinh thần và động lực hiện tại cũng đóng một vai trò quan trọng giúp xác định liệu hành vi nào đó có được học tập hay không.

Mặc dù các học thuyết về hành vi cho rằng chính những củng cố từ bên ngoài là cái tạo nên học tập nhưng Bandura lại nhận ra rằng củng cố không phải lúc nào cũng đến từ các nguồn lực bên ngoài.

Bandura lưu ý rằng các củng cố bên ngoài từ môi trường không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng lên hành vi và quá trình học tập. Ông mô tả củng cố từ bên trong là một dạng tưởng thưởng suất phát từ nội tâm bên trong con người, như lòng tự hào, sự thỏa mãn, và cảm nhận về thành tựu đạt được. Nó đặt trọng tâm vào những suy nghĩ và nhận thức mang tính nội tại, kết nối các thuyết học tập với các thuyết về sự phát triển nhận thức. Mặc dù có khá nhiều sách vở đặt chung các học thuyết học tập xã hội vào với các thuyết hành vi, nhưng Bandura lại mô tả hướng tiếp cận của mình theo một cách riêng và gọi nó là một “học thuyết học tập xã hội.”

Lý thuyết học tập xã hội của Albert Bandura đã có ảnh hưởng sâu sắc đến lĩnh vực tâm lý xã hội, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác, và nó tiếp tục được áp dụng và nghiên cứu rộng rãi cho đến ngày nay.

Đọc thêm

Một số tác phẩm tiêu biểu của Albert Bandura

Social Learning Theory” (1977): Cuốn sách này là một tác phẩm cơ bản về lý thuyết học tập xã hội của Bandura. Ông giải thích chi tiết về quá trình học hỏi thông qua quan sát, mô phỏng và tác động xã hội.

“Aggression: A Social Learning Analysis” (1973): Tác phẩm này tập trung vào nghiên cứu về sự tác động của quan sát và mô hình hóa hành vi bạo lực. Bandura sử dụng các nghiên cứu, bao gồm thí nghiệm búp bê Bobo, để phân tích tác động của quan sát bạo lực lên hành vi của trẻ em.

“Self-Efficacy: The Exercise of Control” (1997): Cuốn sách này tập trung vào khái niệm tự hiệu quả (self-efficacy) và tầm quan trọng của nó trong việc xác định hành vi và thành công cá nhân. Bandura đề cập đến khả năng tự chủ và quản lý bản thân trong việc đạt được mục tiêu.

“Social Foundations of Thought and Action: A Social Cognitive Theory” (1986): Tác phẩm này tóm tắt và phát triển lý thuyết học tập xã hội của Bandura, trong đó ông giải thích về tác động xã hội, quá trình tham gia và quản lý bản thân, và vai trò của niềm tin cá nhân trong hành vi và thành công.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *