SUỐI NGUỒN

VỀ TÁC GIẢ

“I am often asked whether I am primarily a novelist or a philosopher. The answer is both. In a certain sense, every novelist is a philosopher, because one cannot present a picture of human existence without a philosophical framework; … In other to define, explain and present my concept of man, I had to become a philosopher in the specific meaning of the term.”

Ayn Rand, Preface For the New Intellectual

Ayn Rand có tên khai sinh là Alisa Zinov’yevna Rosenbaum, sinh ngày 2/2/1905 tại St. Petersburg, Nga. Bà sinh trưởng trong một gia đình thượng lưu Do Thái nhưng gia đình bà không theo một tôn giáo nào cả. Cha của bà là một dược sĩ thành đạt và mẹ bà là một giáo viên, cả hai người đều rất coi trọng giáo dục khuyến khích con cái mình sống độc lập và sống có mục đích. Mẹ bà từng viết: “mọi người, đều là người tạo ra hạnh phúc của chính mình”.

 Và vì cha mẹ đều là những người có học vấn cao, nên từ nhỏ Ayn Rand đã được tiếp cận với nhiều nguồn tri thức lớn. Bà bắt đầu viết lách từ khi còn rất nhỏ, bà viết kịch từ năm lên 8 tuổi và viết tiểu thuyết từ năm lên 10 tuổi. Các câu chuyện của bà thường mô tả các nhân vật anh hùng lập nên những chiến công vĩ đại. “Tôi đã không bắt đầu bằng cách cố gắng mô tả những người hàng xóm,” theo bà ấy chia sẻ sau này.

Khi lớn hơn, Ayn Rand ngày càng quan tâm đến chính trị và bà đã có những lập trường chính trị rất vững vàng. Từ cửa sổ căn hộ nhà mình, bà đã chứng kiến những phát súng đầu tiên của Cách mạng Nga vào tháng 2/1917. Đầu tiên là cuộc cách mạng phi cộng sản do Alexander Kerensky lãnh đạo, người mà bà vô cùng ngưỡng mộ. Nhưng sau đó là cuộc Cách mạng Bolshevik mang lại sự chuyên chế cho nước Nga. Ngay cả khi mới mười hai tuổi, bà đã cự tuyệt quan điểm rằng cá nhân phải sống vì nhà nước theo như sự khẳng định của những người Bolshevik.

Để thoát khỏi cuộc chiến trong cuộc Cách mạng, gia đình của Ayn Rand chạy trốn đến Crimea, nơi bà học xong trung học. Khi được giới thiệu về lịch sử nước Mỹ, bà ấy ngay lập tức coi nước Mỹ là hình mẫu của mình về một quốc gia của những con người tự do. Năm 1926, bà đến Mỹ và sống với họ hàng ở Chicago trong 6 tháng, sau đó bà đến Hollywood và bắt đầu sự nghiệp của mình tại đây.

Các tác phẩm của Ayn Rand nhấn mạnh các quan niệm tư tưởng về hiện thực khách quan, chủ nghĩa vị kỷ và chủ nghĩa tư bản tự do. Bà tin rằng còn người phải chọn cho mình các giá trị và hành động theo lý trí, và rằng cá nhân có quyền để tồn tại vì lợi ích của chính bản thân mình, không hi sinh bản thân cho người khác và cũng không để người phải hi sinh vì mình. Và rằng không ai có quyền chiếm đoạt những gì thuộc về người khác bằng bạo lực hay lừa dối, hoặc áp đặt tiêu chuẩn đạo đức của mình lên người khác bằng bạo lực. Chính những tư tưởng này đã giúp Ayn Rand có cái nhìn sâu sắc với cuộc đời và những trang viết của bà đã mang đến những giá trị nhân văn cao cả.

Những tác phẩm nổi tiếng của Ayn Rand

  • Night of January 16th, 1934, kịch
  • We the Living, 1936, tiểu thuyết
  • Anthem, 1938, truyện vừa
  • The Fountainhead (Suối nguồn), 1943, tiểu thuyết
  • Atlas Shrugged (Atlas vươn mình), 1957, tiểu thuyết

VỀ TÁC PHẨM

Link sách

Tác phẩm Suối nguồn (The Fountainhead) được xuất bản năm 1943 là khúc ca hoành tráng và vĩ đại nhất trong sự nghiệp của Ayn Rand. Đây là tác phẩm đứng đầu bảng xếp hạng những tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20, theo bình chọn của các độc giả Modern Library – một công ty xuất bản của Mỹ. Cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng với hơn 6.5 triệu bản được bán trên toàn thế giới.

Suối nguồn – tên cuốn sách cũng chính là lý tưởng mà Ayn Rand luôn ca ngợi và theo đuổi. Tác phẩm viết về Howard Roark, một kiến trúc sư trẻ theo chủ nghĩa cá nhân, quyết chọn cho mình con đường đầy chông gai để bảo vệ niềm đam mê, tính độc lập và vẻ đẹp của sự sáng tạo thuần khiết. Anh theo đuổi trường phái hiện đại sáng tạo, trường phái mà anh cho là ưu việt hơn so với lối kiến trúc truyền thống mà hầu hết tất cả mọi người tôn thờ. Anh đề cao tính sáng tạo tự thân, và kịch liệt phản đối những thiết kế chắp vá dựa vào cấu trúc của những công trình đi trước, cách mà những kiến trúc sư cùng thời anh đang làm. Howard Roark như là hiện thân của linh hồn con người và cuộc đấu tranh của anh đại diện cho chủ nghĩa cá nhân đối lập với chủ nghĩa tập thể. Bằng cách xây dựng những mối quan hệ với những nhân vật khác xung quanh Howard Roark, Ayn Rand lột tả nhiều hình mẫu nhân cách con người, tất cả đều khác với hình mẫu lý tưởng mà bà đặt vào Howard Roark. Bà dùng khái niệm lối sống thứ sinh để mô tả những còn người còn lại, lối sống mà con người phụ thuộc và dựa dẫm vào người khác. Các mối quan hệ phức tạp, các tư tưởng sống, động cơ và hành động của các nhân vật trong tác phẩm mang đến cho người đọc những suy ngẫm về niềm tin và mục đích sống của chính mình.

Suối nguồn gồm có 4 phần riêng biệt tương tứng với tên các nhân vật, cũng chính là đại biểu cho 4 nhóm người trong xã hội mà tác giả Ayn Rand muốn khắc họa.

Phần 1 – Peter Keating – Nhóm người sống thứ sinh

Peter Keating là bạn của nhân vật chính Howard Roark, là sinh viên được cho là đứng đầu của trường kiến trúc sư, tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc và được nhận vào hãng kiến trúc nổi tiếng nhất thời bấy giờ, hãng Francon & Heyer.

Peter luôn cảm thấy mình không thể sánh ngang được với Roark và dần dần phát hiện ra rằng anh ta có thể đạt được thành công và danh tiếng bằng cách làm theo ý muốn của người khác, thậm chí phản bội các giá trị của chính mình. Peter rời bỏ ước mơ và theo đuổi sự nghiệp theo cách mà anh ta xem là phù hợp với xã hội. Peter thấm nhuần tư tưởng sống theo số đông, anh ta làm vì số đông cũng làm như vậy, và vì làm thế mới có chỗ đứng trong xã hội, chứ không phải vì đó là điều anh ta muốn. Anh ta trở thành kiến trúc sư nổi tiếng nhờ vào việc sao chép những kiểu dáng phổ biến và chiều lòng những khách hàng giàu có. Tuy nhiên, sự thành công của Peter không đến từ niềm đam mê và tài năng, mà nó đến từ sự giả dối và lòng tham vọng không biết mệt mỏi. Anh ta sống và đánh giá bản thân thông qua lời nhận xét của người khác.

Peter Keating đã sống một cuộc đời phủ nhận bản thân và chạy theo tiêu chuẩn của xã hội. Sống một thế giới như-nó-đang-là chứ không phải một thế giới như-nó-phải-là, sống bởi ý chí và định nghĩa của người khác. Peter sợ Howard Roark, ghen tị với Howard Roark và cũng ngưỡng mộ Howard Roark, cái tên này như một sự ám ảnh lên Peter. Tuy nhiên, đến giai đoạn cuối của sự nghiệp, anh cũng đã nhận ra những bài học của cuộc đời mình, anh đã cầm bút vẽ, và những bức vẽ ấy anh cũng chỉ cho mình Howard Roark xem. Roark đã nói với anh ta: “Quá muộn rồi Peter ạ” – ‘Tôi biết”, Peter đáp.

Phần 2 – Ellsworth Toohey – Nhóm người dùng danh nghĩa ‘vị nhân sinh’ để đạt mục đích cuối cùng – Quyền lực và Sự thao túng.

Ellsworth Toohey là một nhà báo, nhà phê bình nghệ thuật chịu trách nhiệm chính cho chuyên mục về kiến trúc tại một tờ báo nổi tiếng và quyền lực nhất thời bấy giờ – tờ Ngọn Cờ New York.

Toohey đã xây dựng sự nghiệp của mình bằng cách dẫn dắt và chi phối ý kiến của quần chúng thông qua các bài viết của mình. Ông ta cho rằng việc hiểu cái thế giới hiện tại, hiểu những điều đám đông quần chúng muốn và dùng chính cái hiểu đó để thao túng và kiểm soát xã hội chính là sứ mệnh của mình. Ông tin rằng những cá nhân có tư tưởng độc lập và tài năng như Howard Roark sẽ đe dọa sự kiểm soát của những người như ông, vì vậy, ông đã dùng sự thông minh cùng những mánh khóe của mình tìm mọi cách phá hủy sự nghiệp và tư tưởng của họ.

Toohey hành động và xây dựng cho mình một hình tượng tràn đầy tính nhân văn, tận tụy và diễn một vai diễn trọn vẹn theo tư tưởng mà ông tuyên bố đó là tư tưởng vị nhân sinh, một tư tưởng mà trong đó mỗi con người đều đang sống vì người khác, làm hài lòng người khác, và đó là cách thức xây dựng giá trị của từng cá nhân. Ông vừa thừa nhận vừa căm ghét những con người sống với lý tưởng của mình như Roark, ông muốn Roark phải bị xã hội sai khiến, phải bị kiểm soát với ông và đám đông quần chúng. Ông muốn Roark sống như Peter Keating, hay bất kể kẻ thứ sinh nào khác, những kẻ đang sống nhờ vào ông, sống dưới sự kiểm soát của ông.

Phần 3 – Gail Wynand – Nhóm người đang vật lộn tại ranh giới giữa các hệ thống giá trị

Gail Wynand là một nhà xuất bản thành công và quyền lực, ông sở hữu tờ báo có sức ảnh hưởng lớn đối với xã hội – Tờ Ngọn cờ New York.

Gail Wynand có một quá khứ khó khăn và nghèo khổ, nhưng thông qua sự thông minh và nghị lực, ông đã xây dựng cho mình một đế chế truyền thông với nguyên tắc không khoan nhượng và sử dụng sự thù địch để tạo ra thành công cho mình. Tuy nhiên, ông đã phải làm những điều mà bản thân ông không tôn trọng và tạo ra những nội dung đi ngược lại với niềm tin của ông để có thể chinh phục được công chúng.

Gail Wynand là một người quyết đoán và quyền lực, nhưng bên trong ông luôn cảm thấy cô đơn và trống rỗng. Ông không tin tưởng hoặc yêu thương bất kỳ ai vì ông cho rằng mọi mối quan hệ đều chỉ là vì quyền lực và lợi ích cá nhân. Mãi cho đến khi ông gặp Dominique Francon, một người người phụ nữ độc lập và mạnh mẽ thì tình yêu thương mới thật sự bắt đầu nảy sinh trong trái tim ông. Ông dần nhận ra ông không hạnh phúc với cuộc sống mà ông đang sống hay công việc mà ông đã và đang làm. Ông cảm thấy sự giả dối đang phá hủy tâm hồn ông, Wynand bắt đầu tìm kiếm sự thay đổi và tìm cách hướng về con người thật của mình.

Dominique là khởi đầu cho những thay đổi của ông và rồi sau này là Howard Roark, thời điểm Wynand và Roark gặp nhau, chính là thời điểm mà ông đã chờ lâu nay. Ông hiểu rõ giá trị của những người dám độc lập, dám tách mình ra khỏi đám đông và theo đuổi giá trị riêng của bản thân. Ông nhận ra cả ông và Roark sinh ra đều là để sống với sự mệnh đó.

Wynand chính là biểu tượng cho nguy cơ mà con người phải đối diện khi chấp nhận các giá trị vô đạo đức và sống một cuộc sống vô nghĩa. Những con người đang phải vật lộn ngay tại ranh giới thiện ác, tốt xấu, thật giả, để từ đó tìm cho mình con đường đúng đắn hướng về những giá trị bên trong, để sống một cuộc đời có ý nghĩa, để theo đuổi sự chân thật và lòng trung thành.

Phần 4 – Howard Roark – Nhóm người sống cuộc đời nguyên bản

Howard Roark – nhân vật chính xuyên suốt cuốn tiểu thuyết – một kiến trúc sư tài năng và có niềm tin mãnh liệt vào ý tưởng và sự sáng tạo của mình, không bao giờ đánh đổi hệ thống giá trị của bản thân vì thành công hay danh vọng.

Roark đã chọn con đường khó khăn và đơn độc trong cuộc sống và sự nghiệp của mình. Ông không chấp nhận những yêu cầu từ nhà đầu tư hay công chúng để thiết kế những tòa nhà nhàm chán đi theo thị hiếu và không có tính sáng tạo. Ông theo đuổi đam mê, và mong muốn thiết kế những tòa nhà táo bạo, mang tính biểu tượng và đột phá.

Howard Roark là hình mẫu cho việc sống một cuộc đời chân thật, trung thực và theo đuổi đam mê của chính mình mà không bị làm khuất phục bởi xã hội hay bất kỳ một sực ép nào từ bất kỳ ai. Ông là biểu tượng cho những còn người sống một cuộc đời nguyên bản, một cuộc đời “”suối nguồn”, luôn đứng vững và từng bước tô sáng thêm những giá trị đẹp đẽ thuần túy tận sâu bên trong mỗi con người.

Dominique Francon

Dominique là con gái của Guy Francon, chủ sở hữu công ty kiến trúc nổi tiếng – hãng Francon & Heyer. Cô là một người phụ nữ vô cùng xinh đẹp, quyến rũ và thông minh. Dominique có tình cảm với Roark và bị cuốn hút bởi tinh thần độc lập và lòng kiên định của anh ta, tuy nhiên, vì tin rằng thế giới không thể chấp nhận và đánh giá đúng giá trị của Roark, cô đã cố gắng bảo vệ Roark bằng phương thức của riêng cố – đẩy anh và thế khó khăn và từ chối tình yêu của mình. Cô yêu anh, và tìm mọi cách để phá hủy anh, như thể hiện sự phẫn uất của bản thân mình trước việc những tài năng và tinh thần độc lập bị đàn áp và phản đối bởi một xã hội theo đuổi các giá trị sai lệch.

Qua cuộc hành trình đầy phức tạp và đau khổ, Dominique cuối cùng nhận ra rằng sự sáng tạo và lòng trung thành với các giá trị nguyên bản của Roark không gì vô cùng đáng giá mà nó là cách duy nhất để sống một cuộc đời có ý nghĩa và tự do.

CẢM NHẬN CÁ NHÂN VỀ TÁC PHẨM

Đây là tác phẩm dài nhất và cũng là tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với mình. Sau khi đọc xong 1199 trang sách, đầu óc mình thật sự bị ngập tràn bởi những câu hỏi. Thế nào là cuộc đời có giá trị? Sự hiện diện của Roark trong xuyên suốt câu chuyện được thể hiện vô cùng mạnh mẽ, Roark xuất hiện ở đâu thì con người hay khung cảnh ở đó cũng sẽ bị tác động một cách nhất định, dù là bị làm cho điên cuồng hay là được đem lại cảm giác bình yên và thuần túy. Roark có thể có ngoài đời thật không? Hay là chỉ trong tiểu thuyết mới có một Roark bất chấp mọi sóng gió và thử thách trong cuộc sống để theo đuổi một cuộc đời nguyên bản?

Nhiều ngày liền mình hay đặt câu hỏi cho bản thân: Mình có sống được như Roark không? Hệ thống giá trị của bản thân mình là gì?  Mình là một nhân viên văn phòng, công sở ngoài là nơi của guồng quay công việc thì còn là nơi hiện diện của các mối quan hệ giữa đồng nghiệp, giữa nhân viên với sếp, và các bạn cũng biết rồi đó, không phải mối quan hệ nào cũng tốt đẹp như cách mà nó đang được thể hiện. Mình đã chọn cách tập trung vào các mục tiêu và trách nhiệm của bản thân để hoàn thành công việc và lờ đi những điều khác. Sau này có một người chị mà mình rất thích, mình đã chia sẽ những suy nghĩ bên trong mình, và chị ấy có khuyên mình: “Mình hãy học cách làm người khác thích mình, kể cả người mình không thích. Mình không cần yêu thương thật sự nhưng hãy cứ gửi đi những tin nhắn yêu thương và quan tâm, rồi mình sẽ được nhận lại nhiều điều tốt đẹp”. Lúc đó mình có trả lời là mình không làm được điều đó, mình không thể làm khác đi nguyên tắc của mình, mình có thể không nói sự thật nhưng chắc chắn không thể nói những lời giả dối. Và đến hôm nay, khi đọc về Roark, mình cảm thấy mình đã làm đúng. Và khi soi xét lại lời khuyên của người chị ấy, việc trao đi trước khi nhận lại là việc đúng đắn, nhưng phải đảm bảo chúng ta trao đi giá trị thật, trao đi những điều chân thành và không phải vì mục đích được nhận lại. Vì nếu sống theo cách này, có vẻ rằng chúng ta đang đi theo con đường của Ellsworth Toohey hay Peter Keating như trong một giai đoạn nào đó trong cuộc đời họ.

Quay trở lại với câu chuyện, một câu hỏi khác cũng được đặt ra: Chủ nghĩa cá nhân hay chủ nghĩa tập thể? Một con người nên sống vì mình hay sống vì người? Sống vì mình ở mức độ nào và sống vì người ở mức độ nào là phù hợp?

Trong tác phẩm có rất nhiều câu nói của các nhân vật mà mỗi lần đọc chúng ta lại càng thêm suy ngẫm:

“Không ai có thể sống vì người khác. Một người không thể chia sẻ linh hồn anh ta, cũng giống như anh ta không thể chia sẻ thân xác của anh ta. Những kẻ sống thứ sinh đã sử dụng chủ nghĩa vị nhân sinh như một vũ khí để lợi dụng và đảo ngược những nguyên tắc đạo đức cơ bản của loại người”

“Một người cố gắng sống vì người khác là một người luôn lệ thuộc. Anh ta là một kẻ ăn bám trong động cơ của mình…”

Cá nhân mình, trong tất cả các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết, mình không thích Peter Keating vì anh ta đã sống một cuộc đời quá nhu nhược và sai lầm. Mình không quá thích Roark vì cảm thấy còn tự ti, cảm thấy bản thân sống chưa được như Roark nên có cảm giác ghen tị. Đương mình không thích Toohey vì ông ta là phản diện điển hình, mà còn là loại phản diện đội lốt hình tượng nhân văn. Mình cũng không thích Dominique vì có cảm giác cô sống hơi cực đoan. Vậy nhưng, mình lại rất thích Wynand, cùng với Roark ông cho mình hứng khởi để tìm kiếm và làm các giá trị mình đang theo đuổi ngày càng sắc nét. Có vẻ Roark có phần siêu thực còn Wynand thì “real” hơn.

Tuy nhiên có một điều chắc chắn, dù các nhân vật theo đuổi các hệ thống giá trị đối lập nhau, họ vẫn làm nền cho nhau một cách hoàn hảo. Họ khác nhau nhưng họ xuất hiện vì nhau.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *