Tâm lý học Nhân Cách – Chương 1 – Tổng quan

Khi xem xét con người là một thành phần trong xã hội, là chủ thể của các mối quan hệ, của hoạt động có ý thức và giao tiếp, điều mà các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu không thể không thảo luận đó là về nhân cách của họ. Ta có thể nhận thấy rằng mỗi người có tính cách, hành vi và cảm xúc khác nhau đối với từng tình huống và bối cảnh tương tự. Điều này là vì sao? Nhân cách là gì và được hình thành như thế nào? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu.

1. Nhân cách là gì?

1.1. Khái niệm chung về nhân cách

Con người: Con người vừa là thực thể tự nhiên vừa là thực thể xã hội. Dưới góc độ khoa học tự nhiên, con người là một sinh vật tồn tại ở bậc thang cao nhất trong tiến hoá. Con người có đời sống lao động và ngôn ngữ, có khả năng ý thức và tự ý thức. Dưới góc độ xã hội, con người vừa là chủ thể vừa là khách thể trong mối quan hệ xã hội. Mặt tự nhiên và mặt xã hội của con người thống nhất với nhau và tạo thành một cấu trúc chỉnh thể con người. Khi nghiên cứu về con người, ta sẽ cần nghiên cứu cả 3 mặt : Sinh lý – Tâm lý – Xã hội.

Cá nhân: Nếu con người là khái niệm chung thì cá nhân là thuật ngữ dùng để chỉ một con người cụ thể nào đó xã hội. Cá nhân cũng là một thực thể sinh vật – xã hội, nhưng được xem xét riêng biệt từng người, với các đặc điểm về sinh lý, tâm lý và xã hội để phân biệt cá nhân này với cá nhân khác với cộng đồng.

Chủ thểLà thuật ngữ được sử dụng khi cá nhân tham gia vào một mối quan hệ nào đó, thực hiện hoạt động nhất định một cách có ý thức, có mục đích.

Cá tínhLà sự độc đáo riêng biệt của mỗi cá nhân về thể chất và tâm lý, có một không hai. Cá tính được hình thành trên cơ sở của những yếu tố di truyền, bằng hoạt động xã hội và giáo dục, dưới ảnh hưởng của những điều kiện xã hội và của môi trường xã hội mà trong đó con người sống được giáo dục và làm việc, cũng như bằng hoạt động tự giáo dục của bản thân họ.

Nhân cách:

Nhân cách là tổ hợp những thuộc tính tâm lý của một cá nhân biểu hiện ở bản chất xã hội và giá trị xã hội của người ấy.

Trong đó: Tổ hợp có nghĩa là những thuộc tính tâm lý hợp thành nhân cách có quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động lẫn nhau là thành một hệ thống, cấu trúc nhất định. Bản chất xã hội là muốn nói trong số những thuộc tính đó có cái chung từ xã hội, từ giai cấp, tập thể gia đình vào con người nhưng cái chung này đã trở thành cái riêng, cái khác biệt của từng người. Bản chất này có đặc điểm về nội dung và cả về hình thức, không giống với bản sắc của bất cứ một người nào khác. Giá trị xã hội là muốn nói trong số những thuộc tính đó, thể hiện ra bên ngoài ở những việc làm, những cách ứng xử, hành vi, hành động, hoạt động phổ biến của người ấy và được xã hội đánh giá.

Nói cách khác, nhân cách của con người là cách cư xử và phẩm chất của mỗi cá nhân, chính điều tạo nên giá trị của một con người trong xã hội.

1.2. Khái niệm nhân cách trong tâm lý học

Thuật ngữ nhân cách (personality) xuất phát từ tiếng Latin cổ đại là persona (cá tính) và tiếng Latin trung cổ là personalitas. Nghĩa gốc cuả từ ngày là mặt nạ, chỉ vẻ bên ngoài của một cá nhân. Carl Jung, người mà chúng ta sẽ thảo luận đến học thuyết của ông, đã dùng thuật ngữ persona để chỉ rõ nhân cách được biết đến của một cá nhân. Tuy nhiên, nghĩa của từ ngày không được sử dụng lâu dài vì nhân cách bao hàm rất nhiều nghĩa, cả đặc điểm bên trong và những phẩm chất cá nhân cũng như những đặc điểm diện mạo bên ngoài của người ấy. Vì thế, Boethius đã đưa ra một định nghĩa: “Con người là một thực thể riêng lẻ có một bản chất dựa trên lý trí”.

Đặc nét của Nhân cách

Đặc nét bền vững (enduring characteristics):

  • Ổn định (stable)
  • Khả đoán (predictable)
  • Có thể thay đổi theo bối cảnh

Đặc nét độc đáo (unique characteristics):

  • Đặc nét phân biệt mình và người khác

Như vậy, Nhân cách là tập hợp các đặc điểm độc đáo và bền vững, có thể thay đổi nhằm đáp ứng với các tình huống khác nhau, giúp phân biệt bản thân và những người khác.

2. Đặc điểm của nhân cách

Tính ổn định

Ông cha xưa có câu “mưa dầm thấm lâu”, “giang sơn dễ đổi, bản tính khó rời” điều này hoàn toàn đúng khi dùng để nói về nhân cách của một cá nhân. Nhân cách được hình thành từ một quá trình học tập và tích tụ nó tạo thành một cấu trúc tương đối ổn định và khó thay đổi. Nhờ đặc điểm này của nhân cách, các ứng dụng trong nghiên cứu tâm lý, hành vi tội phạm đã đạt được nhiều thành tựu. Ví dụ như dự kiến về hiện trường, đối tượng phạm tội tiếp theo,….

Tính thống nhất

Có thể hiểu một cách đơn giản, nhân cách có thể bao gồm nhiều nhiều thuộc tích, phẩm chất riêng lẻ. Nhưng những thuộc tính, phẩm chất riêng lẻ đó đều liên quan và không tách rời với nhau tạo lên bản sắc riêng biệt. Từ bản sắc riêng tạo ra cá tính đặc biệt của mỗi người và từ đó hình thành nhân cách của người đó.

Tính tích cực

Nhân cách là chủ thể của hoạt động và giao tiếp là sản phẩm của xã hội. Nhân cách không chỉ là khách thể mà con là chủ thể của nhiều mói quan hệ xã hội. Điều đó có nghĩa là nó mang tính tích cực. Tính tích cực của nhân cách biểu hiện trong quá trình thỏa mãn các nhu cầu của nó. Con người không thỏa mãn bằng các đối tượng có sẵn mà nhờ có công cụ, nhờ lao động con người đã biến đổi, đã sáng tạo ra các đối tượng làm cho nó phù hợp với nhu cầu của bản thân. Mặt khác, con người tích cực tìm kiếm những cách thức, các phương thức thỏa mãn các nhu cầu là một quá trình tích cực có mục đích, trong đó con người làm chủ được những hình thức hoạt động do sự phát triển của xã hội quy định nên.

Tính giao tiếp

Nhu cầu giao tiếp được coi là nhu cầu xã hội đầu tiên và cơ bản nhất của con người. Thông qua giao tiếp, con người tham gia vào các mối quan hệ xã hội, lĩnh hội các chuẩn mực đạo đức và hệ thống giá trị xã hội. Đồng thời cũng qua giao tiếp mà con người được đánh giá, được nhìn nhận trong các mối quan hệ xã hội. Qua giao tiếp, con người đóng góp các giá trị phẩm chất nhân cách của mình cho người khác, cho xã hội.

3. Những yếu tố tác động đến sự hình thành và phát triển nhân cách

3.1. Yếu tố di truyền và yếu tố sinh học

Yếu tố di truyền liên quan đến các đặc điểm được truyền từ cha mẹ sang con cái qua các gen. Những đặc điểm này có thể bao gồm tính cách cơ bản, khả năng trí tuệ, và các khuynh hướng hành vi. Ví dụ, nếu cha mẹ có tính cách hướng ngoại, con cái có thể có khuynh hướng tương tự. Ngoài ra, các yếu tố di truyền cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát cảm xúc, mức độ nhạy cảm với căng thẳng và cách phản ứng với các tình huống khác nhau trong cuộc sống. Di truyền không quyết định tất cả, nhưng nó tạo ra nền tảng sinh học mà trên đó các yếu tố môi trường sẽ tác động và hình thành nhân cách.

Yếu tố sinh học bao gồm các yếu tố liên quan đến sức khỏe thể chất và các quá trình sinh học trong cơ thể. Các yếu tố như dinh dưỡng, tình trạng sức khỏe, và sự phát triển của não bộ có thể ảnh hưởng đến hành vi và tính cách. Ví dụ, sự phát triển của hệ thần kinh trung ương và các chất dẫn truyền thần kinh trong não có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và khả năng xử lý thông tin. Các biến đổi sinh học, như trong giai đoạn dậy thì, không chỉ tác động đến các đặc điểm thể chất mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý và hành vi của thanh thiếu niên. Các rối loạn về nội tiết hoặc các bệnh lý thần kinh cũng có thể làm thay đổi cách một người suy nghĩ, cảm nhận và hành động.

Yếu tố di truyền cung cấp cơ sở sinh học ban đầu, trong khi các yếu tố sinh học khác, thông qua các quá trình phát triển và tình trạng sức khỏe, tiếp tục tạo tiền đề cho quá trình hình thành và định hình nhân cách của mỗi cá nhân. Sự tương tác giữa di truyền và sinh học với môi trường sống là phức tạp và đa chiều, tạo nên sự đa dạng trong nhân cách của con người.

3.2. Yếu tố môi trường

Môi trường là hệ thống các hoàn cảnh bên ngoài, các điều kiện tự nhiên và xã hội xung quanh cần thiết cho hoạt động sống và phát triển của con người. Có thể phân thành hai loại là môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.

– Môi trường tự nhiên bao gồm các điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái phục vụ cho các hoạt động sinh sống của con người. Hoàn cảnh địa lý, nước, không khí, đất đai, động vật, thực vật, khí hậu, thời tiết… đều thuộc môi trường tự nhiên.

– Môi trường xã hội bao gồm cả hệ thống gia đình, quan hệ chính trị, kinh tế, xã hội, lịch sử, văn hóa, giáo dục. Con người hòa nhập được với xã hội qua môi trường này. Tác động của môi trường xã hội đến sự hình thành và phát triển nhân cách qua các mối quan hệ xã hội mà mỗi cá nhân tham gia tích cực vào các mối quan hệ đó. Các mối quan hệ giữa các cá nhân được thiết lập lại do các quan hệ sản xuất, quan hệ kinh tế quyết định.

Sự hình thành và phát triển nhân cách chỉ có thể thực hiện trong một môi trường nhất định. Môi trường tự nhiên và môi trường xã hội đều tác động đến con người một cách tự phát hay tự giác, nhưng trước hết phải nói đến môi trường xã hội mà đặc biệt là giáo dục có tác động mạnh mẽ đến mỗi cá nhân. Vì môi trường xã hội, đặc biệt là giáo dục, góp phần tạo nên mục đích, động cơ, phương tiện và điều kiện cho hoạt động và giao lưu của cá nhân. Qua đó, con người chiếm lĩnh được các kinh nghiệm xã hội loài người. Chính trong quá trình đó nảy sinh, hình thành và phát triển nhân cách của mình.

Tuy nhiên, con người không phải là một chủ thể thụ động trước các tác động của môi trường mà là một chủ thể tích cực. Tính chất và mức độ ảnh hưởng của môi trường còn phụ thuộc vào các đặc điểm tâm lý bên trong của cá nhân như xu hướng, năng lực, thái độ, niềm tin,…và phụ thuộc vào mức độ cá nhân tham gia cải tạo môi trường. Ở đây, có sự tác động qua lại giữa các nhân cách và môi trường. Những tác động của môi trường hay hoàn cảnh sống đã được phản ánh vào nhân cách. Chính trong quá trình con người tác động cải biến hoàn cảnh nhằm phục vụ cho lợi ích của mình và xã hội thì cũng là quá trình cải tạo chính bản thân mình.

3.3. Yếu tố giáo dục

Môi trường xã hội tác động đến mỗi cá nhân một cách tự phát và tự giác nhưng chủ yếu bằng con đường tự giác là giáo dục. Giáo dục là những tác động có hệ thống, có mục đích, có kế hoạch, có sự chuẩn bị một lực lượng nhất định có năng lực, có phẩm chất..của thế hệ trước đến thế hệ sau, nhằm hình thành ở thế hệ sau những phẩm chất, những năng lực theo yêu cầu của xã hội. Giáo dục là hoạt động chuyên môn của xã hội nhằm hình thành và phát triển nhân cách con người theo những yêu cầu của xã hội trong những giai đoạn lịch sử nhất định.

Từ giáo dục thường được hiểu theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp:

– Theo nghĩa rộng, giáo dục là toàn bộ tác động của gia đình, nhà trường, xã hội bao gồm cả dạy học và các tác động giáo dục khác đến con người.

– Theo nghĩa hẹp, giáo dục có thể xem như một quá trình tác động đến thế hệ trẻ về mặt tư tưởng, đạo đức, hành vi,…nhằm hình thành thái độ, niềm tin, thói quen cư xử đúng đắn trong gia đình, nhà trường và xã hội.

Vai trò chủ đạo của giáo dục đối với sự hình thành và phát triển nhân cách

Giáo dục vạch ra phương hướng cho sự hình thành và phát triển nhân cách. Vì giáo dục là một quá trình tác động có mục tiêu xác định, hình thành một mẫu người cụ thể cho xã hội, một mô hình nhân cách phát triển, đáp ứng những yêu cầu của xã hội trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Điều đó được thể hiện qua việc thực hiện mục tiêu giáo dục, đào tạo của nhà trường và các tổ chức giáo dục ngoài nhà trường.

Thông qua giáo dục, thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau những kinh nghiệm xã hội – lịch sử đã được kết tinh trong các sản phẩm văn hóa vật chất và tinh thần của nhân loại.Thế hệ trẻ lĩnh hội những kinh nghiệm đó đển biến chúng thành kinh nghiệm của bản thân và tạo nên nhân cách của mình.

Giáo dục có thể đem lại cho con người những cái mà các yếu tố bẩm sinh – di truyền hay môi trường tự nhiên không thể đem lại được. Ví dụ, đứa trẻ được sinh ra, theo thời gian nó được tăng trưởng, nhưng tự nó không thể biết đọc, biết viết nếu không được học chữ.

Giáo dục có thể phát huy tối đa các mặt mạnh của các yếu tố khác chi phối sự hình thành và phát triển nhân cách như các yếu tố sinh lý (bẩm sinh di truyển), yếu tố hoàn cảnh sống, yếu tố xã hội.

Giáo dục có thể bù đắp cho những thiếu hụt, hạn chế do các yếu tố bẩm sinh – di truyền không bình thường, hoàn cảnh bị tai nạn hay chiến tranh gây nên. Ví dụ, giáo dục cho người bị khuyết tật, bị bệnh hoặc gặp phải hoàn cảnh không thuận lợi.

Giáo dục uốn nắn những sai lệch của nhân cách về một mặt nào đó so với các chuẩn mực, do tác động tự phát của môi trường gây nên và làm cho nó phát triển theo hướng mong muốn của xã hội.

3.4. Yếu tố tâm lý

Yếu tố tâm lý đóng vai trò nền tảng trong sự phát triển và hình thành nhân cách của một cá nhân. Các yếu tố này bao gồm cảm xúc, nhận thức, tư duy và động cơ, tất cả đều tương tác phức tạp để hình thành cách một người suy nghĩ, cảm nhận và hành động.

Cảm xúc là một yếu tố quan trọng của tâm lý, ảnh hưởng trực tiếp đến cách một người phản ứng với các tình huống khác nhau. Những người có khả năng kiểm soát cảm xúc tốt thường dễ dàng đối phó với căng thẳng và có xu hướng phát triển một nhân cách ổn định và tích cực. Ngược lại, những người có cảm xúc không ổn định có thể gặp khó khăn trong việc duy trì mối quan hệ và công việc, dẫn đến các vấn đề tâm lý như lo âu và trầm cảm.

Nhận thức liên quan đến cách một người hiểu và diễn giải thế giới xung quanh. Nhận thức không chỉ bao gồm các quá trình nhận biết thông tin mà còn cả cách xử lý và ghi nhớ thông tin đó. Những người có nhận thức tích cực thường có cái nhìn lạc quan và tích cực về cuộc sống, trong khi những người có nhận thức tiêu cực có thể dễ dàng rơi vào trạng thái bi quan và mất niềm tin.

Tư duy cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách. Khả năng tư duy logic, sáng tạo và phản biện giúp một người giải quyết vấn đề hiệu quả và đưa ra quyết định chính xác. Những người có tư duy linh hoạt thường dễ dàng thích nghi với các thay đổi và có xu hướng phát triển nhân cách đa dạng và phong phú.

Động cơđộng lực thúc đẩy hành vi của con người. Những người có động cơ mạnh mẽ và động lực tích cực thường nỗ lực không ngừng để đạt được mục tiêu và phát triển bản thân. Ngược lại, thiếu động lực có thể dẫn đến sự trì trệ và thiếu định hướng trong cuộc sống.

Các yếu tố tâm lý này không tồn tại độc lập mà tương tác lẫn nhau, cùng với các yếu tố di truyền và môi trường, tạo nên một hệ thống phức tạp ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của mỗi người. Hiểu rõ các yếu tố tâm lý giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn về cách con người phát triển và hành động, từ đó cải thiện khả năng tương tác và hỗ trợ lẫn nhau trong xã hội.

3.5. Kinh nghiệm cá nhân

Kinh nghiệm cá nhân là một trong những yếu tố quan trọng và trực tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển và hình thành nhân cách. Mỗi trải nghiệm, từ những sự kiện nhỏ nhặt hàng ngày đến những biến cố lớn trong cuộc sống, đều góp phần tạo nên tính cách và cách nhìn nhận thế giới của một người. Ví dụ, những trải nghiệm tích cực như được yêu thương, khích lệ và thành công trong học tập hoặc công việc có thể giúp một người phát triển tự tin, lạc quan và kiên định. Ngược lại, những trải nghiệm tiêu cực như bị từ chối, thất bại, hoặc trải qua mất mát và đau buồn có thể dẫn đến sự thiếu tự tin, lo lắng, hoặc trầm cảm.

Các mối quan hệ xã hội cũng là một phần quan trọng của kinh nghiệm cá nhân. Mối quan hệ với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và những người xung quanh đều có thể ảnh hưởng đến nhân cách. Những người lớn lên trong môi trường gia đình yêu thương và hỗ trợ thường phát triển nhân cách tích cực và kỹ năng xã hội tốt. Ngược lại, những người trải qua tuổi thơ bất hạnh hoặc bị lạm dụng có thể gặp khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ và phát triển nhân cách lành mạnh.

Những trải nghiệm đặc biệt như du lịch, tham gia hoạt động tình nguyện, hoặc vượt qua thử thách cũng có thể góp phần định hình nhân cách. Chúng giúp mở rộng tầm nhìn, tăng cường kỹ năng giao tiếp và thích nghi, cũng như phát triển các giá trị và niềm tin cá nhân. Nhìn chung, kinh nghiệm cá nhân là một yếu tố đa chiều và biến đổi, góp phần tạo nên sự độc đáo và phong phú trong nhân cách của mỗi người.

3.6. Phương tiện truyền thông

Phương tiện truyền thông đóng vai trò quan trọng và có ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển và hình thành nhân cách của con người. Trong thế giới hiện đại, các loại phương tiện truyền thông như truyền hình, internet, mạng xã hội, báo chí và sách báo không chỉ là nguồn cung cấp thông tin mà còn định hình quan điểm, thái độ và hành vi của chúng ta theo nhiều cách khác nhau.

Truyền hình và phim ảnh: Truyền hình và phim ảnh có thể tác động mạnh mẽ đến nhân cách thông qua các hình mẫu nhân vật và nội dung được truyền tải. Các chương trình giáo dục và phim tài liệu có thể mở rộng hiểu biết và thúc đẩy tư duy phản biện. Tuy nhiên, các nội dung bạo lực, không lành mạnh hoặc mang tính chất tiêu cực có thể ảnh hưởng xấu đến hành vi và quan điểm của người xem, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên.

Internet và mạng xã hội: Internet và mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Chúng cung cấp nền tảng để kết nối, chia sẻ thông tin và biểu đạt cá nhân. Tuy nhiên, việc tiếp xúc với các nội dung không kiểm soát, tin giả và thông tin sai lệch có thể dẫn đến sự nhầm lẫn, hình thành các quan điểm lệch lạc và thậm chí gây ra các vấn đề tâm lý như lo âu và trầm cảm. Mặt khác, mạng xã hội cũng có thể tạo ra áp lực xã hội, khiến người dùng cảm thấy cần phải đạt được những tiêu chuẩn không thực tế về ngoại hình, thành công và hạnh phúc.

Báo chí và sách báo: Báo chí và sách báo là nguồn thông tin quan trọng giúp định hình quan điểm và ý thức xã hội. Các bài viết và bài báo cung cấp thông tin về các vấn đề thời sự, văn hóa, kinh tế và xã hội, giúp người đọc hiểu biết sâu rộng và hình thành các quan điểm có cơ sở. Tuy nhiên, nếu không có sự chọn lọc và đánh giá đúng đắn, người đọc có thể bị ảnh hưởng bởi các quan điểm thiên lệch hoặc thông tin không chính xác.

Quảng cáo và tiếp thị: Quảng cáo và tiếp thị có thể ảnh hưởng đến nhân cách thông qua việc tạo ra nhu cầu và khát vọng tiêu dùng. Quảng cáo thường sử dụng các hình ảnh và thông điệp lôi cuốn để tác động đến cảm xúc và hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Điều này có thể dẫn đến sự hình thành các giá trị vật chất và lối sống tiêu thụ, ảnh hưởng đến cách nhìn nhận về bản thân và cuộc sống của mỗi cá nhân.

Tương tác và học hỏi qua truyền thông: Phương tiện truyền thông cũng cung cấp nền tảng cho việc học hỏi và phát triển kỹ năng. Các khóa học trực tuyến, diễn đàn trao đổi kiến thức và các chương trình giáo dục từ xa mở ra cơ hội học tập cho mọi người ở mọi lứa tuổi và hoàn cảnh.

Tóm lại, phương tiện truyền thông có tác động mạnh mẽ và đa chiều đến nhân cách của con người. Để tận dụng lợi ích và giảm thiểu tác động tiêu cực, chúng ta cần tiếp cận phương tiện truyền thông một cách có trách nhiệm, chọn lọc và đánh giá thông tin một cách cẩn trọng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *